(TSVN) – Vừa qua, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã tổ chức Hội nghị “Phổ biến, cập nhật quy định, yêu cầu của một số thị trường nhập khẩu thủy sản trọng điểm”; để cập nhật quy định về đảm bảo ATTP, an toàn dịch bệnh khi xuất khẩu vào các thị trường như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Honduras, Panama, Đài Loan.
Thông báo số 58.2022 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kiểm soát COVID-19 có hiệu lực từ ngày 8/7/2022 (bãi bỏ Thông báo số 103.2020), áp dụng với lô hàng thực phẩm chuỗi đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc, có nội dung: GACC sẽ kiểm tra trực tuyến đối với doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo phát hiện virus SARS-CoV-2 trong vòng 1 – 2 tuần kể từ ngày có thông báo cảnh báo. Doanh nghiệp sẽ bị GACC xem xét dừng thông quan lô hàng nhập khẩu và hủy bỏ tư cách đăng ký xuất khẩu nếu không bố trí kiểm tra trực tuyến theo thời hạn. Khi kiểm tra phát hiện tồn tại, GACC sẽ yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục có thời hạn, tạm ngừng xuất khẩu hoặc hủy bỏ tư cách đăng ký xuất khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, GACC đã phê duyệt 6 hồ sơ đăng ký mới, phê duyệt 1 hồ sơ thay đổi thông tin (cập nhật mã HS) và điều chỉnh thông tin về địa chỉ cho 9 doanh nghiệp do sai lỗi dịch thuật, thay đổi địa giới hành chính.
Ảnh: GettyImages
Doanh nghiệp cần lưu ý một số nội dung khi đăng ký xuất khẩu trên CIFER: Khai báo đầy đủ các nội dung bắt buộc (có dấu *); các hồ sơ, văn bản gửi kèm phải là bản gốc và kèm theo bản dịch công chứng (nếu bản gốc là tiếng Việt); thông tin của doanh nghiệp (tên, địa chỉ…) trên các giấy tờ phải trùng khớp nhau; người ký xác nhận các giấy tờ liên quan như: bản cam kết của doanh nghiệp, Checklist… phải là người đại diện pháp luật nêu tại Giấy đăng ký kinh doanh; sản phẩm thủy sản sống không thuộc đối tượng phải đăng ký; sản phẩm đăng ký phải thuộc danh mục sản phẩm/nhóm sản phẩm được thẩm định, chứng nhận và nằm trong Danh mục 128 sản phẩm được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu; khi chuyển địa điểm sản xuất, thay đổi người đại diện pháp luật hoặc mã số cơ sở do NAFIQAD cấp thì không thực hiện đăng ký sửa đổi thông tin mà thực hiện đăng ký mới trên Hệ thống CIFER (Điều 19, Lệnh 248).
Về thời hạn đăng ký: Trong thời hạn từ 3 – 6 tháng trước khi hết thời hạn đăng ký thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ gia hạn đăng ký trên Hệ thống CIFER. Thời hạn đăng ký của doanh nghiệp có thể tra cứu tại địa chỉ: https://ciferquery.singlewindow.cn; Đa số thời hạn đăng ký của các doanh nghiệp là đến 30/6/2023.
Hướng dẫn mẫu chứng thư: NAFIQAD có công văn số 453/QLCL-CL1 ngày 14/4/2021; 496/QLCL-CL1 ngày 22/4/2021; 1100/QLCL-CL1 ngày 23/8/2021; 1511/QLCL-CL1 ngày 115/11/2021; 365/QLCL-CL1 ngày 25/3/2022; 911/QLCL-CL1 ngày 19/7/2022.
EU ban hành mẫu chứng thư đối với lô hàng transit qua EU (cả đối với sản phẩm thủy sản và sản phẩm composite) theo Quy định (EU) số 2021/1471 ngày 18/8/2021; số 2022/1219 ngày 14/7/2022. Đối với mẫu chứng thư transit qua EU: thực hiện theo văn bản số 5553/BNNQLCL ngày 22/8/2022 của Bộ NN&PTNT.
Đối với sản phẩm composite: Theo phản ánh của Cơ quan cửa khẩu Đan Mạch: đề nghị cấp mẫu FISH-CRUST MODEL cho sản phẩm tôm tẩm bột chiên sơ (HS 1605) (hiện nay một số lô hàng cấp chứng thư theo mẫu MODEL COMPOSITE).
Quy định để ngăn chặn các sản phẩm khai thác IUU nhập khẩu vào Nhật Bản được áp dụng từ 1/12/2022. Các đối tượng áp dụng gồm mực ống và mực nang (Squid, Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp).
Các doanh nghiệp khi có nhu cầu xác nhận lô hàng được chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu thuộc 4 loài thủy sản trên, lập đầy đủ hồ sơ đề nghị theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT gửi về Trung tâm vùng để được thẩm định, xác nhận.
Các Trung tâm vùng sẽ thẩm định hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận cam kết nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu theo yêu cầu thị trường Nhật Bản. NAFIQAD đã có hướng dẫn cụ thể tại công văn số 1157/QLCL-CL1 ngày 7/9/2022.
Hoạt động thanh tra của Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) và Cục Quản lý Chất lượng thủy sản (NFQS), Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc (MOF) đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc: MFDS/NFQS đã thống nhất sẽ tổ chức thanh tra trực tuyến/trực tiếp tại hiện trường đối với các cơ sở sau khi thống nhất kế hoạch với NAFIQAD; Cục sẽ thông báo tới các doanh nghiệp, đồng thời cử đại diện cùng tham gia (nếu cần thiết) để ghi nhận các sai lỗi, tồn tại của các cơ sở (nếu có) và yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh.
Về xuất khẩu cá bò khô tẩm gia vị của Việt Nam sang Hàn Quốc: NAFIQAD đang tiếp tục làm việc với MFDS đề nghị đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP của Việt Nam và kiểm tra đại diện một số cơ sở để công nhận toàn bộ các cơ sở đăng ký xuất khẩu cá bò khô tẩm gia vị vào Hàn Quốc theo đúng thông lệ quốc tế, thay vì MFDS chỉ chấp thuận các cơ sở xếp hạng 1 như hiện nay; NAFIQAD sẽ có văn bản thông báo tới các doanh nghiệp sau khi nhận được ý kiến thống nhất của MFDS.
Quy định mới về đăng ký doanh nghiệp: Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng thực phẩm Brazil (MAPA) ban hành kèm theo Quy định số G/SPS/N/BRA/1184.Add.2/Corr.3 hệ thống biểu mẫu đăng ký mới thay thế cho biểu mẫu trước đây.
NAFIQAD đã tổ chức làm việc với ĐSQ Brazil tại Việt Nam làm rõ quy định này, cụ thể một số điểm lưu ý:
– Do chuyển đổi sang Hệ thống CSDL mới (từ hệ thống SIGSIF sang hệ thống PGA-SIGSIF), MAPA đề nghị Cục rà soát Danh sách được phép xuất khẩu vào Brazil để đăng ký bổ sung, sửa đổi thông tin và đưa tên ra khỏi danh sách (đối với các cơ sở không xuất khẩu vào Brazil trong thời gian 5 năm trở lại đây).
– Ngoài tên, mã số, địa chỉ cơ sở, phải có thêm thông tin: Postal code; tỉnh/thành phố; loại hình sản xuất; mục đích sử dụng; khu vực nuôi/đánh bắt; tên khoa học của loài; phương thức nuôi/đánh bắt.
Danh sách phải được gửi qua đường ngoại giao (ĐSQ Brazil tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rà soát danh sách trước khi gửi chính thức cho MAPA); NAFIQAD đã có hướng dẫn cụ thể tại công văn số 1135/QLCL-CL1 ngày 5/9/2022.
Theo yêu cầu của Cơ quan thẩm quyền Honduras, NAFIQAD đã phối hợp với các cơ quan có liên quan cung cấp Bản trả lời câu hỏi đánh giá hệ thống kiểm soát ATTP và dịch bệnh thủy sản tới phía Brazil từ năm 2020.
Theo thông báo của Cơ quan thẩm quyền Honduras: “Trong thời gian xem xét, đánh giá Bản trả lời câu hỏi, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn được cho phép xuất khẩu vào Honduras”.
Thực tế thời gian vừa qua đã có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này và không được cho phép nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp lưu ý trao đổi, thống nhất với nhà nhập khẩu/khách hàng trước khi sản xuất, xuất khẩu vào thị trường này để tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế.
Theo quy định tại Phụ lục VIIA.Thông tư 48, Panama là thị trường có yêu cầu lập danh sách đối với sản phẩm cá (cá da trơn, cá ngừ), nhuyễn thể; lô hàng cá (cá da trơn, cá ngừ) và nhuyễn thể xuất khẩu sang Panama phải được cơ quan thẩm quyền Việt Nam kiểm tra, cấp chứng thư.
NAFIQAD đã nhiều lần có văn bản, đề nghị bổ sung thêm doanh nghiệp, tuy nhiên Cơ quan thẩm quyền Panama (AUPSA) thông báo sẽ chỉ xem xét, bổ sung thêm cơ sở xuất khẩu vào thị trường này, sau khi tổ chức, đánh giá thực tế điều kiện bảo đảm ATTP tại Việt Nam (hiện có 29 doanh nghiệp được Panama đưa vào danh sách cho phép xuất khẩu).
Cơ quan thẩm quyền Đài Loan chỉ cho phép nhập khẩu các sản phẩm mã HS Code 03, 1604, 1605. Các sản phẩm có mã số HS khác chỉ được xem xét xuất khẩu vào Đài Loan sau khi cơ quan thẩm quyền Đài Loan sang Việt Nam thanh tra hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản (Công văn số 1928/QLCL-CL1 ngày 21/10/2019 của NAFIQAD).
Cơ quan thẩm quyền Đài Loan thông báo sẽ chỉ xem xét, cho phép bổ sung doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu sau khi sang Việt Nam thanh tra hệ thống kiểm soát ATTP thủy sản (dự kiến trong năm 2022).
Vân Anh