(TSVN) – Theo Seafoodsource, dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu thủy sản của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục suy yếu.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thủy sản trung bình trong tháng 9/2022 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI) nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của lạm phát giá thực phẩm, ở mức 8,8%, chủ yếu do giá thịt heo và rau tăng.
CPI của Trung Quốc tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong 9 tháng đầu năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát được thấy ở các nền kinh tế lớn khác. Đất nước này đang chiến đấu với những “cơn gió ngược” về kinh tế khi tiếp tục thực thi chính sách “Zero COVID” đồng thời đối phó với sự giảm tốc của thị trường bất động sản, vốn trước đây là động lực của tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng Trung Quốc suy giảm do các ảnh hưởng của các chính sách phòng ngừa COVID-19. Ảnh: Scrollin
Ông Jack Yuan, Giám đốc điều hành của WhatFresh có trụ sở tại Hồng Kông, một nhà nhập khẩu thực phẩm và hải sản tươi sống, cho biết năm 2022 đã được chứng minh là một “năm khó khăn hơn so với những năm trước”. Ông cho biết sự bất ổn về logistics, một phần do các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về COVID đang “thêm muối vào vết thương”.
“Tiêu thụ thủy, hải sản ở Trung Quốc đã giảm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đóng cửa kéo dài do COVID-19 và nền kinh tế đang yếu hơn. Tôi hy vọng hệ thống chính trị ở Trung Quốc sẽ ổn định trước, sau đó chính phủ sẽ tập trung vào cách đối phó với COVID-19 và hỗ trợ tăng trưởng. Tôi hy vọng năm 2023 sẽ là một năm tốt đẹp hơn”, ông nói.
Về chế biến xuất khẩu, bà Sara Shi, Trưởng bộ phận kinh doanh xuất khẩu của Dalian Rich Enterprise Co., cho biết công ty của bà đã nhận thấy nhu cầu suy yếu ở EU. “Thị trường EU không tốt do lạm phát và đồng tiền suy yếu. Chúng tôi không biết mới có thể phục hồi. Thị trường Mỹ hiện tại vẫn ổn, nhưng không bằng các năm trước. Giá nguyên liệu thô như cá thịt trắng quá cao và các nhà nhập khẩu ở Mỹ cũng rất cẩn thận về điều này”, bà nói.
“Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản đóng gói do công ty tung ra trong năm 2021 vào thị trường bán lẻ Mỹ đã bán rất chạy, chủ yếu ở các cửa hàng tiện lợi địa phương”, bà Shi cho biết.
Ông Robin Wang, Giám đốc điều hành của công ty tiếp thị thủy sản SMH International có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết một loạt yếu tố đang góp phần làm giảm nhu cầu trong nước.
“Số liệu trong tháng 9/2022 chắc chắn giảm. Các đợt bùng phát COVID-19 nhỏ hơn và các đợt kiểm dịch có mục đích vẫn đang làm giảm mức tiêu thụ, dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng kém hơn. Các câu chuyện khác như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thị trường bất động sản đang giảm, góp phần làm giảm mức độ tin cậy vào thời điểm hiện tại. Giá hải sản không tăng mạnh như các mặt hàng khác. Việc đóng cửa buộc mọi người tập trung nhiều hơn vào thực phẩm truyền thống, do đó giá thịt heo, trái cây và rau tăng mạnh hơn. Nhu cầu thủy sản chậm lại và nguồn cung thủy sản thấp hơn – cả nhập khẩu và nội địa – là nguyên nhân khiến giá tăng chậm hơn”, ông nói.
Ông Wang, người có công ty tư vấn cho cơ quan thương mại ngành thủy sản từ bang Alaska của Mỹ, cho biết mặc dù nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng trưởng gần đây nhưng nhu cầu đối với thủy sản Alaska giảm trong năm nay. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan về vị thế của Trung Quốc như một thị trường hải sản chiếm ưu thế, mặc dù nguồn cung thủy sản trong nước đã thay thế một số thị phần trước đây do hàng nhập khẩu nắm giữ.
Ông nói: “Khi nguồn cung thủy sản nhập khẩu giảm mạnh do lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng của Thượng Hải trong nửa đầu năm, đã có một lượng lớn thủy sản nội địa được tung ra thị trường để bổ sung nguồn cung và đáp ứng nhu cầu hiện có. Mặc dù chúng tôi nhìn thấy một số thách thức phía trước, nhưng chúng tôi vẫn được khuyến khích bởi nhu cầu lâu dài đối với hải sản của Trung Quốc và xu hướng sang các nguồn thực phẩm chất lượng”.
Tác động của các chính sách liên quan đến COVID-19 của Trung Quốc đối với tiêu dùng đã trở nên rõ ràng khi dữ liệu giá do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thu thập cho thấy giá bán buôn thủy sản trung bình đã giảm mạnh so với mức cao nhất năm 2021.
Tháng 9/2022, ở mức 24,39 CNY/kg (3,41 USD/kg), giá thủy sản trung bình giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dựa trên dữ liệu được thu thập từ 68 chợ đầu mối trên toàn quốc, dữ liệu cũng cho thấy tổng doanh số bán hàng thủy sản giảm 19,6% so với tháng 9/2021.
Giá thủy sản nước ngọt giảm 6,3% xuống mức trung bình 18,92 CNY/kg (2,64 USD/kg), trong khi lượng thủy sản nước ngọt bán ra giảm 16,5%, cho thấy tác động của việc phong tỏa do COVID-19 của Trung Quốc.
Giá hải sản trung bình đã tăng 8,7% trong tháng 9 năm nay lên 49,03 CNY/kg (6,85 USD/kg), do khối lượng bán ra giảm 32,9%. Tuy nhiên, giá giáp xác giảm xuống mức trung bình là 65,44 CNY/kg (9,14 USD/kg), giảm 44%, mặc dù khối lượng bán ra tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá động vật có vỏ giảm trung bình 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cả tăng đột biến vào năm 2021 được cho là do một số yếu tố, bao gồm lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài trên sông Dương Tử cũng như phục hồi nhu cầu trong ngành dịch vụ thực phẩm và giảm nhập khẩu. Các nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản trong nước cũng trì hoãn việc bổ sung vụ nuôi mới sau khi bị ảnh hưởng bởi giá thấp hồi năm 2020 – khi COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Hải Phong
Theo Seafoodsource