(TSVN) – Để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển 2.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, huyện Bình Đại đã xây dựng định hướng, kế hoạch mời chào đầu tư để phát triển nuôi tôm biển công nghệ cao.
Tính đến tháng 12/2022, tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn huyện Bình Đại (Bến Tre) là 1.303,17 ha/2.000 ha, với 439 hộ nuôi. Tập trung tại một số vùng nuôi có điều kiện thuận lợi độ mặn cao quanh năm, diện tích lớn tại xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc để chủ động kiểm soát, xử lý môi trường, nguồn nước, sức khỏe tôm, dịch bệnh, mật độ tôm từng giai đoạn.
Quy trình nuôi được khép kín từ nguồn nước đầu vào đến các chất thải ra được xử lý khép kín, vừa quản lý tốt mầm bệnh, vừa đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả, an toàn hơn so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống trong ao đất. Ao nuôi được đầu tư xây dựng chuyển đổi từ những ao có diện tích lớn sang ao có diện tích nhỏ (khoảng 1.000 m2 – 1.200 m2/ao) phần lớn diện tích làm ao chứa, lắng, ao xử lý; ao nuôi được trải bạt bờ và đáy ao, đầu tư vào hệ thống sục khí, quạt, xiphong đáy và máy cho ăn. Giai đoạn 1, tôm nhỏ ương trong vèo, quản lý chăm sóc sau 25 – 30 ngày chuyển sang giai đoạn 2. Tổng thời gian nuôi 2 giai đoạn 60 – 70 ngày, tôm đạt kích cỡ thu hoạch, năng suất khoảng 60 – 70 tấn/ha/vụ. Lợi nhuận tăng từ 500 triệu/ha đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống lên 2 tỷ đồng/ha khi áp dụng mô hình này.
Ảnh minh họa
UBND huyện Bình Đại cho biết, các khu vực định hướng phát triển nuôi tôm công nghệ cao tập trung trên địa bàn huyện cụ thể như sau: Tổng diện tích phát triển nuôi tôm công nghệ cao dự kiến là 2.450 ha. Khu vực từ ĐH.40 đến giáp sông Ba Lai diện tích 1.520 ha. Trong đó, đoạn từ ngã tư Thạnh Trị đến giáp xã Đại Hòa Lộc 80 ha. Đoạn từ xã Đại Hòa Lộc đến giáp xã Thạnh Phước 150 ha. Đoạn từ Xã Thạnh Phước đến giáp xã Thới Thuận 1.290 ha. Khu vực Dự án 400 ha thuộc xã Thạnh Phước và Bình Thắng. Khu vực ấp 5, ấp 6 xã Bình Thắng 280 ha. Khu vực xã Thừa Đức 250 ha.
Để đạt chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển 2.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, huyện Bình Đại đã mời gọi nhiều doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư như: Tập đoàn Donacoop, Công ty CP Chăn nuôi C.P., Tập đoàn Thủy sản Minh Phú… Trong đó, huyện đã làm việc với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú về phương án đầu tư 300 ha khu vực xã Thạnh Phước. Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai phương án đầu tư cho người dân trong khu vực này.
Ngoài ra, huyện Bình Đại cũng sẽ tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; tạo đầu mồi liên kết các doanh nghiệp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; mời gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến và dịch vụ thủy sản; gắn với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú xây dựng Dự án Nuôi tôm công nghệ cao có liên kết với nông dân (300 ha). Ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 18.000 ha. Trong đó, nuôi tôm biên thâm canh 6.000 ha (nuôi tôm ứng dụng khoa học công nghệ 2.000 ha); nuôi tôm quảng canh xen rừng, tôm lúa 8.500 ha. Tổng sản lượng nuôi tôm biến đạt trên 45.000 tấn/năm. Đồng thời, tập trung nhân rộng diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Bình Thới, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Thạnh Phước, Thừa Đức và Thới Thuận.
Mộc Trà