(TSVN) – Từ ngày 23 – 31/12/2022, tỉnh Cà Mau tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ I năm 2022 với chủ đề “Cua Cà Mau – Điểm hẹn văn hóa ẩm thực” với các trò chơi dân gian đua cua, trình diễn thi trói cua, chế biến món ăn và chương trình hội thảo.
Môn đua cua, quy định của Ban Tổ chức là cua phải có nguồn gốc ở các huyện trong tỉnh Cà Mau như Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Cái Nước được đăng ký tham gia không hạn chế số lượng. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đăng ký không quá 5 “cua thủ”. Cua dự thi phải là cua Y (khoảng 70% thịt trở lên, yếm có hình tam giác), mỗi con nặng từ 0,3 kg trở lên. Các con cua phải có xác nhận nguồn gốc của địa phương, trói 2 càng khi thi đấu. Từng con cua vào thi đấu được Ban Tổ chức dán ký hiệu đủ điều kiện.
Nông dân Cà Mau thu hoạch cua biển. Ảnh: Chúc Ly
Cự ly thi đấu của cua là 5 m, trên máng rộng 0,25 m, cao 0,3 m. Cung cách thi đấu, sau khi trọng tài ra hiệu lệnh xuất phát, con cua nào về đích trước là thắng cuộc và được thi tiếp vòng sau. Trong lúc cua thi đấu, chủ con cua được dùng ngón tay hoặc vật dụng chạm lên mu cua để kích thích, hỗ trợ nếu cua dừng lại. Chủ con cua cũng được phép thay con cua khác cùng trọng lượng sau khi thắng vòng trước để thi vòng sau.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, Ngày hội nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cua Cà Mau và các loại đặc sản của địa phương đến du khách trong, ngoài nước. Cùng với đua cua có Hội thảo Giải pháp phát triển bền vững nghề cua Cà Mau; Hội thi ẩm thực, xác lập kỷ lục các món ăn chế biến từ cua; các hoạt động kết nối du lịch, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới như câu cua, tự chế biến các món ăn từ cua. Bên cạnh là Hội chợ Thương mại tổng hợp, trưng bày sản phẩm OCOP, lễ hội đường phố; liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Tỉnh Cà Mau ở cực Nam đất nước, có bờ biển dài 254 km với gần 70.000 ha rừng ngập mặn nên sản lượng cua biển ở Cà Mau dẫn đầu cả nước, một trong những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cua biển chủ yếu sinh ra ở cửa biển, theo con nước lần vào các nhánh sông, rạch, ao, đầm thuộc vùng nước mặn và lợ để sinh sống. Hàng năm từ tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch là mùa cua hội, cua tìm đến bạn tình để trao duyên, lúc này cua đầy gạch và chắc thịt.
Hiện ở Cà Mau, cua biển trong thiên nhiên đã giảm mà chủ yếu được nuôi với nhiều hình thức. Nuôi trong môi trường tự nhiên thích hợp nên cua biển Cà Mau là loại thực phẩm tươi sống, bổ dưỡng và còn có tác dụng chữa bệnh thiếu canxi, còi xương, suy dinh dưỡng. Cua biển Cà Mau đang được xem là loại cua ngon nhất nước ta, xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Sáu Nghệ