(TSVN) – Ngày 12/12, tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về thực hiện các đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và khuyến khích hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông, lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, phát triển nuôi trồng thủy sản phải theo chuỗi liên kết trong sản xuất, đảm bảo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ngãi phấn đấu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng công nghiệp, hiện đại, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ phát triển du lịch. Đến năm 2030, có khoảng hơn 2.000 lồng nuôi. Sản lượng tăng dần 7%/năm. Tạo được ít nhất 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Kêu gọi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư ít nhất 1 dự án nuôi trồng thủy sản trên biển gần bờ quy mô công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Khảo sát, điều tra thực trạng, tiềm năng và định hướng nuôi biển tại các huyện Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và huyện Lý Sơn. Làm cơ sở xây dựng đề án thí điểm phát triển nuôi theo hướng công nghệ cao. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn, giai đoạn 2021 – 230 là gần 280 tỷ đồng.
Nuôi cá bớp ở Quảng Ngãi
Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông, lòng hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hàng năm có khoảng 940 ha nuôi thủy sản nước ngọt. Trong đó, khoảng 800 ha nuôi thủy sản hồ chứa với sản lượng 1.700 tấn/năm, còn lại 140 ha nuôi ao hồ nhỏ. Theo Đề án, hỗ trợ trực tiếp con giống cho hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ cộng đồng. Phương thức sản xuất theo chuỗi liên kết. Có 10 địa phương tham gia nuôi tại 52 hồ, đập trên diện tích gần 2.850 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các sở, ngành, địa phương đã tích cực tham gia xây dựng các đề án. Yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản phải theo chuỗi liên kết trong sản xuất theo cách linh hoạt, đa dạng. Thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng thủy sản. Phát triển vùng nuôi phải đảm bảo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp mạnh, có uy tín trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển gắn với thu mua, chế biến sâu. Xem xét lựa chọn hỗ trợ con giống linh hoạt theo xu hướng thị trường và đa dạng sản phẩm vật nuôi. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân. Lồng ghép 02 đề án này trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết với du lịch, dịch vụ.
Cát Tường