T2, 26/12/2022 09:31

Đại hội HNCVN: Vì một nghề cá bền vững

(TSVN) – Là một trong những hiệp hội ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp, những năm qua Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thủy sản và là chỗ dựa đáng tin cậy của nông dân, ngư dân cả nước. Trong nhiệm kỳ (2022 – 2027), Hội chủ trương sẽ có những thay đổi một cách toàn diện, mục đích nhằm đưa hoạt động Hội ngày càng sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trở thành chỗ dựa vững chắc và luôn đồng hành sát cánh cùng hội viên, doanh nghiệp. Cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

TS Nguyễn Việt Thắng: Những năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, tài chính thiếu thốn, vẫn đảm bảo tổ chức Hội phát triển và hoạt động có nhiều kết quả. Tổ chức Hội đã khẳng định được vai trò, tác dụng đối với hội viên, nông dân, ngư dân, doanh nghiệp và nghề cá cả nước trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên; góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện các chương trình dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, thông tin truyên truyền, động viên toàn thể hội viên, ngư dân, lao động nghề cá nỗ lực cố gắng, thi đua vượt qua những khó khăn, góp phần vào hoàn thành kế hoạch của ngành thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Với mục tiêu rõ ràng ngay từ ngày đầu thành lập, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ luôn quan tâm và chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và nông dân, ngư dân; đây là nhiệm vụ quan trọng của Hội, từ Trung ương Hội đến các hội thành viên.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 kéo dài, Hội đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hội viên, doanh nghiệp, kiến nghị ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng ngư dân trên biển, khu chế xuất, doanh nghiệp thủy sản, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, để không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu thủy sản phục vụ nhân dân và xuất khẩu.

TS Nguyễn Việt Thắng: Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nghề cá Việt Nam từ Trung ương đến các địa phương và doanh nghiệp đã xác định được vai trò, nhiệm vụ của Hội, có nhiều đổi mới trong phương thức, nội dung hoạt động; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ IV đề ra và đạt được kết quả nổi bật trên các mặt công tác.

 

Trong đó, Hội đã kết nạp mới 12 hội viên tập thể, 6 hội viên cá nhân thuộc Trung ương Hội, thành lập 1 đơn vị trực thuộc. Nội dung hoạt động của Hội được đổi mới theo hướng vừa kết hợp cả bề rộng, vừa chú trọng các nội dung trọng tâm, trọng điểm và xây dựng các chuyên đề cụ thể để tọa đàm, trao đổi, giải quyết kịp thời và có chiều sâu. Tích cực tìm kiếm và tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế có hiệu quả. Ngoài ra, Hội đã tích cực, chủ động tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực thông tin – tuyên truyền; hoạt động xã hội – tình nghĩa…

 

Song song với công tác tổ chức, Hội cũng đẩy mạnh mảng thông tin – tuyên truyền. Tạp chí Thủy sản Việt Nam (cơ quan báo chí của Hội) và các website trực thuộc của Hội trở thành cầu nối quan trọng để những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Bộ, ngành được truyền tải kịp thời đến người sản xuất, đồng thời, đưa kiến nghị, đề xuất của nông dân, ngư dân, doanh nghiệp đến các cơ quan chức năng một cách nhanh chóng.

 

Trong dịp Đại hội Đảng lần thứ XIII, tổ chức Hội ở Trung ương và các địa phương đã tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về phát triển nghề cá hiệu quả, bền vững và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông – ngư dân lên các cấp Đảng ủy. In và phát hàng trăm nghìn cuốn Tạp chí Thủy sản Việt Nam, bản file PDF cho hội viên, ngư dân, doanh nghiệp; phối hợp với tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ tổ chức Hội chợ VietShrimp để giới thiệu thành tựu nuôi tôm cũng như công nghệ kỹ thuật nghề nuôi tôm và bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả tôm nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh. Hội chợ đã thu hút hàng chục nghìn người là những nhà khoa học, nhà quản lý, người sản xuất, nhà kinh doanh trong nước và quốc tế tham dự…

 

Những hoạt động này đã khẳng định vai trò và vị thế quan trọng của Hội trong việc bảo vệ ngư dân và người lao động, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành thủy sản; đã được các cơ quan Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Ban Đối ngoại Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, cử tri ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện qua việc giới thiệu và bầu thành công 2 đồng chí lãnh đạo Hội làm Đại biểu Quốc hội các khóa XIV, XV.

TS Nguyễn Việt Thắng: Trong thời gian qua, tuy tổ chức Hội đã từng bước được củng cố và phát triển, nhưng nhìn chung chất lượng, hiệu quả hoạt động còn hạn chế và chưa ổn định. Nhiều hội viên tập thể chưa tích cực, chủ động trao đổi thông tin và chưa chấp hành việc đóng hội phí. Đội ngũ cán bộ Hội còn chưa chuyên nghiệp, chuyên sâu. Mặt khác, sự phối hợp, liên kết và hợp tác với nhau còn hạn chế. Hoạt động của Hội tuy đã có đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc cập nhật, xử lý thông tin để bảo vệ quyền lợi chính đáng của quần chúng nông dân, ngư dân còn chưa đầy đủ và kịp thời, thiếu thống nhất. Điều kiện, cơ sở vật chất và kinh phí cho Hội hoạt động còn rất thiếu thốn…


Nhìn chung, hoạt động Hội còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của nghề cá, nhất là ở lĩnh vực hậu cần dịch vụ trong khai thác còn yếu. Ngoài ra, trong thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế của Hội còn nhiều tồn tại, chưa thật chủ động tranh thủ thời cơ; có dự án chưa phát huy tác dụng, một số mô hình khuyến ngư chưa được triển khai nhân rộng, một số ý kiến tư vấn phản biện nội dung chưa sâu, công tác tổ chức hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật làm chưa được nhiều và thiếu kịp thời…

TS Nguyễn Việt Thắng: Trước hết, Hội phải quán triệt và thực hiện cho bằng được mục đích cao quý nhất của Hội Nghề cá Việt Nam là phục vụ cho quyền lợi chính đáng của hội viên, nông dân, ngư dân, góp phần đưa nghề cá phát triển hiệu quả và bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hội cần chủ động và tích cực tham gia xây dựng nhiều mô hình điểm về chuỗi liên kết, tạo giá trị sản phẩm chất lượng cao và bền vững.


Để thực hiện được mục đích đó, phải đổi mới hoạt động của Hội cả nội dung và phương thức; xây dựng được tổ chức Hội vững mạnh từ các hội thành viên và cơ sở, lấy Hội cơ sở làm nền tảng. Ban Chấp hành phải có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, người có uy tín, có tâm huyết với nghề cá và với Hội. Mặt khác, Hội phải tích cực và có trách nhiệm đóng góp xứng đáng cho việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và toàn ngành thủy sản. Các hoạt động của Hội phải đồng bộ cả về khoa học kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, hợp tác quốc tế, thông tin – tuyên truyền, đến động viên thi đua khen thưởng và kiểm tra giám sát.


Đồng thời, phải coi trọng việc tạo nguồn kinh phí cho Hội. Mở rộng hợp tác liên kết trong nước và hội nhập quốc tế với các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Thêm nữa, phải tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, Bộ Nội vụ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, cá nhân trong ngành thủy sản, để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng phát triển Hội.

TS Nguyễn Việt Thắng: Trước hết, cần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Hội theo hướng chuyên nghiệp, gắn liền với hợp tác, phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp. Tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức. Cùng đó, tích cực chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp; tham gia đóng góp phát triển sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt hiệu quả và bền vững; chủ động thực hiện chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.


Đẩy mạnh hệ thống thông tin hai chiều từ Trung ương tới địa phương và chi hội cơ sở. Nâng cao năng lực các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thông tin – tuyên truyền như: Tạp chí Thủy sản Việt Nam, website của Hội.


Đồng thời, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội – tình nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, cứu trợ nhân đạo ở các địa phương, nhất là vùng ven biển, bãi ngang, hải đảo, dân nghèo vùng cao, miền núi… Chủ động phát hiện những khó khăn vướng mắc để kiến nghị tới Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng các giải pháp và chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất…

Trân trọng cảm ơn ông!

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!