(TSVN) – Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng, làm giảm nhu cầu, dẫn đến tồn kho tăng và sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ… là những khó khăn không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản dịp cuối năm 2022 và cả năm 2023. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp không nên quá bi quan mà phải tiếp tục cầm cự và nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới.
Bước vào những ngày đầu tháng 12, hầu hết các sản phẩm thủy sản nuôi trồng như: lươn, ếch, cá lóc, cá thát lát, cá điêu hồng… đều tăng giá khá mạnh, người nuôi hết sức phấn khởi.
Mặt hàng thủy sản tăng cao nhất thời gian gần đây phải kể đến cá lóc. Đây là đối tượng nuôi không mới ở khu vực ĐBSCL, nhưng gần đây đã có sự cải tiến đáng kể về quy trình, mô hình nuôi nên năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao. Giá cá lóc sau thời gian dài ở mức 30.000 – 32.000 đồng/kg, gần đây đã tăng mạnh lên mức 40.000 – 42.000 đồng/kg đối với loại 500 g/con, còn loại 1 – 1,2 kg/con có giá lên đến 50.000 đồng/kg. Với mức giá trên, theo ước tính của các hộ nuôi, lợi nhuận bình quân khi thu hoạch đạt 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo các thương lái và doanh nghiệp thu mua cá lóc, giá tăng mạnh dịp cuối năm là do nhu cầu làm cá khô phục vụ thị trường Tết lên cao, trong khi sản lượng cá cung ứng ra thị trường không nhiều. Còn theo một doanh nghiệp thu mua cá lóc có trụ sở tại TP Vũng Tàu, gần cuối năm, nhu cầu xuất khẩu cá lóc fillet sang một số nước Đông Nam Á cũng tăng lên đáng kể nên giá cả vì thế cũng tăng theo. Giải thích thêm vì sao sản lượng cá lóc cuối năm ít, một đại lý thu mua ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết, do giá cá lóc thời gian qua không cao, trong khi giá thức ăn tăng rất mạnh, nhiều hộ nuôi không có lời, họ bỏ ao khá nhiều, ước tính khoảng 50%.
Dự báo tình hình không được cải thiện, nhiều khả năng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và có thể giảm kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023. Ảnh: Vũ Sinh
Còn tại tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long… người nuôi cá thát lát và cá điêu hồng cũng có được niềm vui lợi nhuận cao khi giá cá đã tăng lên khoảng 30 – 35% so vài tháng trước. Cá thát lát ở Hậu Giang sau 2 năm rớt giá thê thảm vì dịch COVID-19 đến năm nay đã bật tăng khá mạnh. Hiện tại, giá cá thát lát loại I đã lên đến 100.000 đồng/kg, còn loại II và III cũng dao động trong khoảng 60.000 – 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo ước tính của người nuôi, nếu nuôi đạt đầu con và năng suất, giá thành chỉ vào khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg, còn bình quân chung 50.000 – 60.000 đồng/kg. Sở dĩ giá thành cao là do chi phí thức ăn tăng mạnh và giá cá giống cũng tăng gấp đôi so với năm trước do khan hiếm nguồn cung. Tương tự như hộ nuôi cá thát lát, hộ nuôi cá điêu hồng ở An Giang, Vĩnh Long cũng phấn khởi vì giá cá tăng mạnh, lợi nhuận cao. Hiện tại, giá cá điêu hồng được thương lái thu mua tại ao khoảng 45.000 – 55.000 đồng/kg, nên tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là 1:1.
Cũng có được niềm vui tăng giá là những hộ nuôi lươn và nuôi ếch thịt ở các tỉnh ĐBSCL. Giá lươn hiện tại tuy chỉ tăng nhẹ thêm 5.000 đồng lên mức 125.000 đồng/kg đối với lươn loại I, nhưng với những hộ áp dụng mô hình nuôi không bùn thì mức tăng trên là rất có ý nghĩa vì năng suất nuôi theo mô hình này là rất cao, nhờ lợi thế có thể nuôi với mật độ 300 – 500 con/m2.
Anh Lê Hoàng Khương, nguyên Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, với điều kiện nuôi trong bể nước trong, thay nước thường xuyên, sử dụng thức ăn công nghiệp như hiện nay, có thể nuôi lươn với mật độ cao, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đảm bảo và FCR nếu nuôi tốt chỉ khoảng 1.0, còn bình quân chung khoảng 1.1 – 1.2. Vì vậy, chỉ cần giá lươn thương phẩm tăng thêm 1.000 – 2.000 đồng/kg thì lợi nhuận của người nuôi tăng lên khá cao. Tương tự giá lươn, giá ếch gần đây đã đạt mức 40.000 đồng/kg đối với ếch loại I và với mức giá này, theo anh Khương nếu nuôi tốt, người nuôi sẽ có lợi nhuận từ 10.000 đồng/kg trở lên.
Chia sẻ tại Hội thảo với chủ đề “Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 11 vừa qua; ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 10 tỷ USD và đến cuối năm lần đầu tiên ngành hàng chủ chốt của nền kinh tế này khả năng sẽ đạt kim ngạch 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 4,3 tỷ USD, cá tra nhiều khả năng sẽ đạt 2,5 tỷ USD, cá ngừ lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD và các nhóm hải sản khác đạt 3,2 tỷ USD. Ông Hòe nhận xét: “Tất cả thị trường đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 15 – 75% và top 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thủy sản; trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh chính thức trở thành thị trường lớn thứ 7 của thủy sản Việt Nam”.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết, từ khi thị trường EU áp dụng IUU trong nhập khẩu mặt hàng thủy sản, Công ty phải chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường để đối phó. Theo bà Lan, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Trước đây, Công ty xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu chiếm từ 60 – 70%, nhưng từ khi khu vực này áp dụng IUU, những năm gần đây đơn vị phải chuyển mạnh xuất khẩu qua thị trường Mỹ, Trung Đông và các nước khác, thị trường châu Âu chỉ còn chiếm 20 – 30% kim ngạch xuất khẩu. Việc chuyển đổi thị trường là điều kiện tất yếu các doanh nghiệp phải làm nếu muốn tồn tại.
Cũng nhờ chủ động, linh hoạt đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu nói chung và cá ngừ nói riêng, kịp thời chuyển hướng mở rộng sang các thị trường nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Bình Định vẫn duy trì tăng trưởng. 11 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh Bình Định đạt hơn 166 triệu USD. Hiện nay, tỷ lệ cá ngừ đông lạnh xuất khẩu chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, 45% xuất khẩu hàng cá ngừ đóng hộp và mặt hàng cá ngừ tươi sống xuất khẩu chỉ chiếm 5%.
Bên cạnh thông tin lạc quan, theo ông Trương Đình Hòe, từ quý IV/2022 ngành thủy sản phải đối mặt với thách thức về thị trường do tác động lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng; là sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn như: Ecuador, Ấn Độ…; là sự sụt giảm các đơn hàng và lãi suất tăng… Những khó khăn trên được dự báo sẽ còn kéo dài sang năm 2023, nên có thể nói, triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2023 là hết sức khó khăn, nhất là trong 6 tháng đầu năm.
Cũng liên quan đến khó khăn của ngành thủy sản, theo chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, năm 2023 ngành thủy sản sẽ đi theo xu hướng ngược lại của năm 2022. Hay nói cụ thể là, quý I/2023 ngành thủy sản sẽ tăng trưởng chậm, thậm chí rất chậm cho đến quý II mới đi vào ổn định và từ quý III, IV sẽ vượt lên. Nếu kịch bản trên diễn ra đúng như dự kiến, tăng trưởng cuối năm của ngành thủy sản cũng sẽ không hề thua kém năm 2022, đặc biệt là thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh nhất do được dự báo sẽ là nền kinh tế phục hồi sớm nhất sau lạm phát.
Những khó khăn của ngành thủy sản theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã được dự báo từ khá sớm và không tránh khỏi. Đã có không ít doanh nghiệp thủy sản bị đối tác hoãn, hủy giao đơn hàng đã ký kết và chưa chốt thời gian đàm phán hợp đồng của năm mới. Tình hình trên đối với các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây, nhưng các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho còn nhiều dẫn đến không có tiền trả nợ đúng hạn, buộc phải giảm giá để bán được hàng nhằm chứng minh sự luân chuyển dòng tiền. Hệ quả của tình trạng này là rất lớn nếu lạm phát kéo dài mà hậu quả để lại chúng ta đã từng chứng kiến qua đợt khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 – 2008.
Về dự báo cho ngành thủy sản cuối năm 2022 và năm 2023, nhiều ý kiến đưa ra việc thị trường Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại, thị trường EU và Mỹ sớm phục hồi, lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh, các vấn đề về dòng vốn, về công tác quản trị, tiết giảm chi phí, về hợp tác trong logistics, về ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất… Đặc biệt vấn đề nguyên liệu cho chế biến phải làm sao nâng được tỷ lệ nuôi tôm, cá thành công; làm sao nâng tỷ lệ nuôi đạt chuẩn quốc tế như: ASC, BAP… để giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh và phát huy thế mạnh chế biến sâu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng đáng để kỳ vọng các khó khăn trên sẽ sớm qua đi, khi kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt, ít bị tác động từ bên ngoài, sức khỏe của doanh nghiệp cũng tốt hơn như thời điểm năm 2008. Vì vậy, theo ông Trương Đình Hòe, chúng ta không nên quá bi quan mà phải tiếp tục cầm cự và nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới. Còn theo TS Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô. Theo đó, quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý II/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.
Xuân Trường