Năm 2022, xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục 11 tỷ USD

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 27/12/2022, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện kế hoạch năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch năm 2023. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT tham dự và chỉ đạo.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, ước năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) tăng 3,0% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn), trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021 và 3,7% theo kế hoạch, sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm ngoái, tuy nhiên, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch (giảm còn khoảng 3,72 triệu tấn).

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1 – 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13%; cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70%.

Năm 2022, cả nước có khoảng 9.670 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (bao gồm: 2.580 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; 105 cơ sở sản xuất giống cá tra; 2.570 cơ sở ương cá tra giống; 4.415 cơ sở sản xuất giống thủy sản khác). Sản lượng cá tra ước đạt 25,59 tỷ cá tra bột và 3,558 tỷ cá giống.

Xuất khẩu cá tra năm 2022 ghi nhận đạt con số kỷ lục 2,35 tỷ USD. Ảnh: Huy Hùng

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, có được thành quả này là do năm qua Tổng cục đã quyết liệt trong công tác triển khai xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản mà Chiến lược triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra. Đưa ra những dự báo sát với tình hình, xu thế biến động của thị trường thế giới và trong nước; năng lực phản ứng nhanh, kịp thời tham mưu giải pháp xử lý, cuối năm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu đề ra, góp phần hoàn thành kế hoạch. Công tác quản lý nuôi trồng thủy sản từ quản lý thức ăn, con giống, quan trắc môi trường, chứng nhận VietGAP vẫn được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi được phối hợp triển khai hiệu quả… 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 dự kiến đạt khoảng 11 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay ngành đạt được. Kết quả này chính là tiền đề, nền tảng để Bộ NN&PTNT đánh giá, chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nền kinh tế nói chung và thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ quý III/2022. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023. 

“Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu khiêm tốn 10 tỷ USD, tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng sẽ năng động, sáng tạo, linh hoạt để quyết định giải pháp tăng tốc các thời điểm thích hợp”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu ổn định diện tích nuôi thủy sản 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 380 nghìn ha (cá tra 5,7 nghìn ha), diện tích nuôi mặn, lợ 920 nghìn ha (tôm nước lợ 737 nghìn ha). Tiếp tục điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.  

Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,74 triệu tấn, bằng 96,7% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn, bằng 93,2%; sản lượng nuôi trồng 5,16 triệu tấn, bằng 99,2%.

Các sản phẩm quốc gia: Sản lượng cá tra 1,62 triệu tấn; tôm nước lợ 960 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 680 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!