(TSVN) – Cá lóc (cá quả) không phải là đối tượng nuôi mới mẻ; tuy nhiên, việc nuôi cá lóc luân canh trong ao nuôi tôm nước lợ sẽ góp phần giảm thiểu áp lực về môi trường, dịch bệnh, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, tăng hiệu quả sản xuất và tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Sáng ngày 27/12/2022, phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên phối hợp với UBND xã Ngọc Đông tổ chức Hội thảo Mô hình nuôi cá lóc luân canh trong ao nuôi tôm. Đến tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đoàn thể huyện, trạm Khuyến nông huyện; đại diện lãnh đạo UBND xã và cộng tác viên khuyến nông, đại diện các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và nông dân các xã lân cận gồm Tham Đôn, Hoà Tú 1, Hoà Tú 2, và Ngọc Tố.
Sau khi tham quan thực tế mô hình nuôi cá lóc luân canh trong ao nuôi tôm nước lợ, các đại biểu đã được nghe đại diện phòng NN&PTNT huyện trình bày báo cáo kết quả thực hiện mô hình được triển khai tại hộ ông Trần Chí Minh (ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên). Thời gian thả cá giống nuôi là ngày 12/8/2022, với lượng giống thả là 2.500 con trong ao rộng 5.000 m2. Sau 4,5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 250 – 330 g (3 – 4 con/kg); tổng sản lượng thu được 450 kg, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg mang lại doanh thu 31,5 triệu đồng; tổng chi phí nuôi cá là 16,6 triệu đồng, lợi nhuận 14,9 triệu đồng.
Cá lóc giống là cá sinh sản nhân tạo được ương nuôi trong vèo (mùng) có kích thước 24 m2 (4 x 6 m) đặt trong ao, mật độ ương nuôi 104 con/m2, lúc này cá được cho ăn thức ăn viên nổi với khẩu phần 5 – 10% trọng lượng và được cho ăn 2 lần/ngày (buổi sáng và buổi chiều). Sau 2,5 tháng nuôi, cá được cho ra ao để nuôi, lúc này tận dụng cá tạp, tép tạp có sẵn trong ao và bổ sung thêm ốc bươu vàng, cá rô phi cắt nhỏ,… để làm thức ăn cho cá. Việc cho cá ra ao để tận dụng thức ăn tự nhiên sẵn có và cho cá vận động thông qua việc bơi lội và rước bắt mồi giúp thịt cá thơm ngon giống như cá đồng và bán được với giá cao hơn.
Các đại biểu tham quan thực tế ao nuôi cá lóc luân canh với tôm nước lợ
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã đặt ra các câu hỏi như việc cải tạo ao trước khi thả giống, phương pháp thả giống, chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch bệnh cho cá,…, đề nghị tập huấn kỹ thuật nuôi cá lóc cho nông dân. Các câu hỏi và ý kiến của đại biểu đã được đại diện phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện và chủ hộ tham gia thực hiện mô hình giải đáp và chia sẻ.
Đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT báo cáo kết quả thực hiện mô hình
Cũng tại buổi Hội thảo, phòng NN&PTNT huyện đã có buổi hướng dẫn sử dụng ứng dụng “Nguồn nước Cửu Long” để cài đặt trên điện thoại thông minh theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường, đặc biệt là độ mặn tại 21 điểm đo xung yếu trên địa bàn 3 tỉnh (Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng) để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Tin rằng, với sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa bốn nhà, đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ được thực hiện thành công; tỉnh Sóc Trăng sẽ có nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an oàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe phục vụ cho người dân trong nước và xuất khẩu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo được nhận tờ rơi và hướng dẫn sử dụng ứng dụng Nguồn nước Cửu Long
Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có 17.700 ha đất nuôi tôm nước lợ, trong đó có khoảng 8.000 ha thực hiện mô hình luân canh tôm – lúa. Từ tháng 4 – 9 Dương lịch, người dân thả nuôi tôm nước lợ (tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng) và từ tháng 9 – tháng 1 dương lịch năm sau thì trồng lúa ngay trong nền đất ao nuôi tôm hoặc tận dụng bắt tôm cá tư nhiên, trong đó có cá lóc. Tuy nhiên, việc tận dụng tôm cá tự nhiên thì sản lượng không cao. Do đó, nếu áp dụng nuôi luân canh hoặc xen canh cá lóc trong ao nuôi tôm nước lợ sẽ góp phần tăng thêm thu nhập, góp phần tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện mà theo chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện Ủy Mỹ Xuyên đề ra sẽ đạt 220 triệu đồng vào năm 2023.
Tăng Thanh Chí