(TSVN) – Nếu trước đây nuôi tôm manh mún, mạnh ai nấy làm, thị trường bị thương lái chi phối thì năm 2022, ngành hàng này đã hình thành nên các chuỗi giá trị xuất khẩu liên kết chặt chẽ và hiệu quả.
Trung bình mỗi hộ nuôi tôm tại ĐBSCL chỉ sở hữu diện tích nhỏ bé đủ xây dựng vài ao nuôi, vì vậy hệ thống tiêu thoát nước, đường sá, điện… đều thiếu thốn. Trước đây, rất nhiều người nuôi bán hàng cho thương lái, sau đó các thương lái thu gom về bán cho các cơ sở chế biến. Chất lượng tôm không đồng đều và giá bán cũng trồi sụt theo.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước xu thế hội nhập sâu vào thị trường thế giới, tôm xuất khẩu phải đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc, có các giấy chứng nhận vùng nuôi… xu thế liên kết giữa các hộ, giữa các vùng nuôi ngày càng phổ biến. Ai cũng hiểu chân lý: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hiệp hội Tôm Bạc Liêu đã tập hợp được rất nhiều người nuôi nhỏ lẻ vào các hợp tác xã (HTX), tạo ra một “thế trận” có chiều sâu, phát triển vững chắc. Xu thế tham gia vào các HTX công nghệ cao đang trở thành “tất yếu” của người nuôi tôm. Ví dụ như HTX nuôi tôm công nghệ cao Đông Hải có 88 ha sản xuất nuôi TTCT. HTX cung ứng được từ 700 – 1.000 tấn tôm/năm, rất được các nhà máy yên tâm, tín nhiệm. Với 49 HTX và 2 liên hiệp HTX, có thể nói ngành tôm Bạc Liêu đã có một bộ mặt hoàn toàn mới, hiện đại và tiềm năng.
Các chuỗi liên kết bền chặt sẽ nâng giá trị ngành tôm. Ảnh: Phan Thanh
Mô hình HTX nuôi tôm công nghệ cao đang đáp ứng rất tốt các tiêu chuẩn cung ứng tôm xuất khẩu như tiêu chuẩn của ASC, GlobalG.A.P. Đầu ra được đảm bảo, doanh thu tăng khoảng 2% mỗi năm, người nuôi có động lực để tiếp tục tham gia các chuỗi liên kết nâng cao giá trị xuất khẩu tôm.
Trước đây, nhiều người nuôi cho biết việc liên kết với nhà máy là một điều “không tưởng”, do mỗi hộ chỉ nuôi vài ao, doanh số rất khiêm tốn. Người nuôi cũng không có đủ vốn để đối ứng, do đó rất nhiều vùng nuôi chỉ “liên kết” với các đầu nậu cung ứng giống, thức ăn, thậm chí tiêu thụ sản phẩm. Chuyện doanh thu của một đại lý hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa vụ là chuyện rất bình thường. Chi phí qua nhiều khâu trung gian đã làm cho lợi nhuận bị thất thoát và người nuôi chịu nhiều thiệt thòi, đồng thời giá thành nuôi tôm rất cao.
Sau khi các hiệp hội và các HTX nuôi tôm công nghệ cao ra đời, các HTX đã làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, không cần thông qua các đại lý. Bởi vậy, các thành viên HTX đã giảm được chi phí từ 15 – 30% khi mua thức ăn, giống, thuốc… Nhờ liên kết trực tiếp với các nhà máy cung ứng con giống, thức ăn… kết hợp với việc được vay vốn ưu đãi, các vùng nuôi lớn hiện nay đã giảm được từ 10 – 20% chi phí vật tư đầu vào. Đây chính là một trong những yếu tố giúp ngành tôm đứng vững trong cơn bão lạm phát và giá đầu vào tăng mạnh trong thời gian qua.
Sự chuyển biến lớn trong ngành tôm đã được chính các tập đoàn lớn khởi xướng. Một vị lãnh đạo nhà máy thức ăn nằm trong top 5 của Việt Nam cho biết: “Trước đây chúng tôi chỉ làm việc với các đại lý, thậm chí tổng kết cuối năm chỉ mời đại lý, nhưng giờ đây chúng tôi làm việc thẳng với các vùng nuôi bởi đối tượng cần liên kết của các nhà máy phải chính là người nuôi”.
Việc tạo được sợi dây liên kết trực tiếp từ nhà máy, doanh nghiệp đến các vùng nuôi mà không cần thông qua trung gian là các đại lý, đầu nậu… đang giúp cho chuỗi nuôi tôm chế biến xuất khẩu ngày càng minh bạch, phù hợp với yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng như “kiểm định chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ khâu nuôi trồng cho đến tận bàn ăn của thực khách”.
Nhờ việc xây dựng được chuỗi liên kết giá trị nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản phẩm tiêu thụ tốt, số lượng các thành viên mỗi hợp tác ngày càng tăng, số lượng các HTX ra đời ngày càng nhiều. Nhờ đó vùng nuôi được mở rộng và chất lượng tôm cung ứng cho xuất khẩu ngày càng ổn định. Không chỉ liên kết trong nội bộ ngành thủy sản mà các doanh nghiệp và người nuôi còn liên kết trong việc nuôi tôm – lúa.
Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm với 8 HTX và 2 tổ hợp tác NTTS với diện tích 4.982 ha, sản lượng bao tiêu hơn 12.200 tấn tôm/năm. Công ty XNK Thủy sản Tấn Khởi liên kết nuôi tôm quảng canh cải tiến trên diện tích 156 ha với 58 hộ xã viên tham gia, bao tiêu sản phẩm… Hàng nghìn ha nuôi tôm sạch đạt chuẩn ASC, ORGANIC ra đời tại Bạc Liêu.
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 298 trang trại thủy sản; trong đó, có 8 HTX, 2 tổ hợp tác NTTS có diện tích gần 5.000 ha. Tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết ngành tôm, xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao diện tích 27.200 ha.
NTTS đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Riêng ĐBSCL mỗi năm cung cấp khoảng 3,2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của cả nước. Việc tạo ra được chuỗi liên kết giữa nuôi trồng và xuất khẩu giữa các vùng nuôi với 206 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu (tổng công suất khoảng 780.000 – 950.000 tấn/năm) chắc chắn sẽ đem đến một diện mạo mới cho các tỉnh thành phía Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Không chỉ xây dựng các liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với các vùng nuôi mà hiện các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp lớn cũng có xu thế liên kết với nhau, cùng tạo ra những chuỗi cung ứng chất lượng và giàu sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Mới đây, Tập đoàn PAN đã ký kết hợp tác với C.P. Việt Nam và cho rằng việc hợp tác giữa hai đơn vị có sự tương đồng trong chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững sẽ giúp cả hai tập đoàn cùng lớn mạnh. Tập đoàn PAN thông qua công ty thành viên Sao Ta hiện sở hữu vùng nuôi đạt chuẩn ASC lớn nhất cả nước, trong khi đó C.P có thế mạnh về con giống, thức ăn.
Còn nhớ vào năm 2002, ngành thủy sản Việt Nam tưng bừng với cột mốc xuất khẩu vượt 1 tỷ USD, năm 2022 ngành đã đạt kim ngạch 11 tỷ USD, trong đó riêng mặt hàng tôm đã hơn 4 tỷ USD. Từ cạnh tranh “nội bộ” và “đèn nhà ai nấy rạng”, đến việc thay đổi tư duy chuyển sang liên kết, hợp tác, “cùng làm, cùng thắng”, ngành thủy sản Việt Nam đang cho thấy quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ.
Trần Nguyễn