(TSVN) – Nhận định từ sớm, chuẩn bị nguyên liệu, nhiều giải pháp được đưa ra đã giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội cả về giá và thị trường.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Tận dụng tốt mọi cơ hội
Nhận định từ sớm là có thể cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 giảm, các nước mở cửa, đây là cơ hội cho chúng ta tranh thủ thời cơ và tận dụng lợi thế thị trường để gia tăng xuất khẩu. Từ đó, chúng ta đã có sự chuẩn bị sớm về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Cùng đó, trong giai đoạn khó khăn, khi nhận thấy cần phải giảm nguồn nguyên liệu cung cấp, chúng ta đã có sự điều chỉnh phù hợp. Khi thị trường mở ra thì chúng ta đã sẵn sàng rồi, lúc đó giải pháp mục tiêu đưa vào từ khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu. Toàn bộ chuỗi trong sản xuất đấy chúng ta đều có sự chuẩn bị tốt và không bị động nên tận dụng tốt những cơ hội về thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta thực hiện tái cơ cấu, một mặt giữ thị trường truyền thống, đồng thời mở ra các thị trường mới, và những thị trường mới này có sự gia tăng tỷ lệ rất lớn và ngoài các sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp đã chế biến thêm các sản phẩm giá trị gia tăng, những sản phẩm tiện tích trong tiêu dùng. Chính vì thế, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội cả về giá và thị trường.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa
Kiến nghị kiểm soát tốt chất lượng tôm giống
Năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4.100 ha nuôi nước mặn, trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt 3.450 ha, TTCT 1.140 ha; sản lượng tôm nuôi ước đạt 12.000 tấn. Đến nay, tình hình nuôi tôm trong tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do nguồn giống tôm sú, TTCT chủ yếu được di ương từ các tỉnh miền Trung nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra xác định nguồn gốc và chất lượng con giống. Do đó, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm, tỉnh kiến nghị Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các tỉnh có vùng sản xuất giống tập trung kiểm soát tốt chất lượng giống bố mẹ nhập vào, tôm giống trước khi xuất bán cho các vùng nuôi thương phẩm trong nước.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc RYNAN® Technologies Vietnam JSC
Mô thức mới trong nuôi TTCT
Để phát triển bền vững ngành nuôi tôm nước lợ, chúng ta cần có mô thức nuôi TTCT thâm canh mới, giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, ngăn ngừa tốt dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất và không phát thải CO2e. RYNAN® Technologies Vietnam đã nghiên cứu, phát triển và đưa vào ứng dụng mô thức nuôi TTCT siêu thâm canh TOMGOXYTM, dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: Bảo tồn rừng ngập mặn; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và năng lượng; canh tác tuần hoàn kết hợp nuôi tảo, tôm và cá để giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường và dùng năng lượng tái tạo thay thế năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch để đạt chỉ số không phát thải CO2e.
Ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung, Chủ tịch HĐQT Vinhthinh Biostadt
Hợp tác phát triển chuỗi cung ứng giá trị
Sản xuất kinh doanh ngành tôm 3 năm qua rất biến động do dịch bệnh COVID-19 và nhất là năm 2022 có lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động lớn, chi phí đầu vào của vật tư nguyên vật liệu tăng cao, tín dụng rất ách tắc trong khi dịch bệnh trầm trọng…; điều này đã gây nhiều khó khăn cho tất cả các thành phần tham gia. Đối mặt với năm 2023, thì các vấn đề trên vẫn đang tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp, nhất là nguồn vốn và dịch bệnh. Nguy cơ người nuôi treo ao, giảm thả tôm thời gian tới, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho cả chuỗi cung ứng của ngành tôm. Đối diện với những thách thức khó khăn phía trước, Vinhthinh Biostadt mong muốn chia sẻ thông điệp: “Kết nối hoàn hảo - Tạo chuỗi thành công”, với mong muốn tất cả các khách hàng, đối tác của Vinhthinh Biostadt hãy cùng nhau gắn kết, hợp lực, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, để cùng xây dựng những thành công mới và chia sẻ rủi ro với nhau. Chương trình “Hợp tác phát triển chuỗi cung ứng giá trị” là giải pháp cụ thể của Vinhthinh Biostadt cho sự thành công bền vững và hài hòa lợi ích với mọi thành phần tham gia chuỗi sản xuất tôm.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Thu hút mời gọi các dự án đầu tư
Định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới là thu hút mời gọi các dự án đầu tư và chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng. Đặc biệt là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng… Mặt khác, Bạc Liêu đã và đang nhân rộng mô hình nuôi tôm dựa trên các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalG.A.P, ASC… nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với cấp mã số truy xuất nguồn gốc.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Tăng cường liên kết thị trường
Ngành nông nghiệp cần có nhiều hơn các giải pháp giảm chi phí đầu vào, ổn định chi phí đầu ra cho tôm; tăng cường liên kết thị trường để tìm đầu ra, tránh tình trạng rớt giá; đảm bảo chất lượng con giống, thành phẩm, quản lý về chất lượng thức ăn, môi trường thời tiết, áp dụng nhiều mô hình tiên tiến, giảm rủi ro trong quá trình nuôi trồng. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình kết hợp như tôm - lúa, tôm - cá, để tăng giá trị về kinh tế, khuyến khích các ngân hàng đưa ra chính sách cho vay vốn để giúp nông dân có cơ hội thay đổi mô hình nuôi tôm theo hướng hiện đại, phù hợp với diễn biến thời tiết, môi trường phức tạp.
Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 (ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Giá tôm cao nhưng người nuôi vẫn khó có lời
Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng tôi vẫn có doanh thu hơn 500 triệu đồng và lợi nhuận gần 170 triệu đồng. Còn năm 2022, dù mô hình nuôi lót bạt với quy trình nuôi đã hoàn chỉnh, cộng thêm giá tôm ở mức cao nữa, nhưng tính ra vẫn không có lời là bao nhiêu. Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá khi phần lớn thành viên HTX năm nay đều không có lời, thậm chí còn bị lỗ. Theo tôi, vụ tôm năm 2022 là quá khó với người nuôi. Cái khó đầu tiên phải kể đến là độ mặn chỉ lên trong thời gian ngắn rồi sau đó giảm mạnh, đến khi vào chính vụ thả nuôi thì độ mặn gần như bằng 0. Cái khó thứ hai là chi phí vật tư đầu vào năm nay tăng quá mạnh, nhất là giá thức ăn, tăng đến 5 - 6 lần. Cái khó thứ ba là bệnh tôm chậm lớn làm tốn nhiều chi phí nhưng thu hoạch thì không có bao nhiêu. Điểm sáng duy nhất của năm nay là giá tôm cao và duy trì suốt năm nên cũng đỡ phần nào cho người nuôi vì chỉ cần có sản lượng kha khá là có thể hòa vốn hoặc có lời chút đỉnh.
Ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc HTX Toàn Thắng (xã Vĩnh Tân, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Chỉ khoảng 20% thành viên là có lãi
HTX Toàn Thắng chúng tôi hiện phần lớn diện tích vẫn còn nuôi ao đất, nên mỗi khi thời tiết, môi trường biến động mạnh là rất khó khăn. Như ở vụ nuôi năm 2022 vừa rồi, nhiều hộ cải tạo ao xong nhưng độ mặn quá thấp khiến việc thả giống gặp khó. Cũng do độ mặn thấp, nên phải tốn thêm chi phí bổ sung khoáng nhiều hơn mà tôm vẫn tăng trưởng chậm. Đây cũng là lý do sức đề kháng của tôm nuôi bị yếu đi, mầm bệnh dễ xâm nhập, nhất là bệnh phân trắng, EHP càng làm cho tôm thêm chậm lớn. Tuy nhiên, cũng nhờ tạo được liên kết với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, đồng thời sản xuất theo tiêu chuẩn ASC nên chi phí đầu tư cũng nhẹ hơn và giá bán cũng cao hơn so với những hộ trong khu vực. Nhờ vậy, nên nhiều thành viên bảo toàn được vốn đầu tư, số có lỗ thì cũng lỗ ít hơn.
Nhóm PV