(TSVN) – Với lợi thế về năng suất, giảm rủi ro dịch bệnh, và thân thiện môi trường, những mô hình nuôi tôm dưới đây đã nhanh chóng lan tỏa đến người dân khắp các địa phương, dự báo trở thành xu hướng, tạo sự thay đổi lớn cho ngành tôm Việt Nam.
Nuôi tôm theo công nghệ RAS được đánh giá tiềm năng phát triển và mở rộng trong tương lai. RAS cung cấp môi trường ổn định và được kiểm soát chặt chẽ cho đối tượng nuôi, cho phép khai thác tối đa năng suất nuôi bằng việc quản lý tốt các bể nuôi tôm. Trong hệ thống nuôi, nước được làm sạch và tái sử dụng liên tục. Quá trình nuôi hầu như hoàn toàn khép kín. Các chất thải, ammonium và CO2 đều được phân tách và chuyển đổi thành các sản phẩm không độc bởi các thành phần của hệ thống. Nước đã lọc tiếp đến được sục khí O2 và được bơm lại bể nuôi. Để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất, hệ thống nuôi gồm có nhiều thành phần với những chức năng riêng biệt. Công nghệ RAS hiện đã được ứng dụng rộng rãi tại các nước phát triển như Israel, châu Âu, Trung Quốc và dự kiến đến năm 2030 sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh trên toàn cầu, ước tính đạt 40% sản lượng NTTS. Tuy nhiên, tại Việt Nam, RAS chỉ mới xuất hiện lác đác và còn gặp nhiều rào cản do chi phí đầu tư khá cao, từ 200 – 500 triệu/hệ thống nuôi TTCT.
Nuôi tôm Biofloc được coi là “cuộc cách mạng xanh” trong NTTS, công nghệ này dựa trên việc sản xuất vi sinh vật tại chỗ với các vai trò chính như sau: Duy trì chất lượng nước bằng việc hấp thụ các hợp chất nitơ tạo ra trong protein vi sinh vật tại chỗ; chuyển hóa các chất thải hữu cơ thành nguồn protein cho tôm; cạnh tranh với các loại vi khuẩn gây bệnh. Hệ thống Biofloc có khả năng vận hành với tỷ lệ trao đổi nước rất thấp, việc này sẽ giúp cho sự phát triển và hoạt động Biofloc tốt hơn để tăng cường xử lý chất thải, hợp chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao. Ứng dụng công nghệ Biofloc trong ao tôm đã cho thấy vô số lợi ích như cải thiện tốc độ tăng trưởng, giảm FCR, giảm chi phí thức ăn cho nuôi tôm. Phương pháp này không những được áp dụng trong nuôi tôm thương phẩm mà còn được áp dụng trong nuôi tôm siêu thâm canh. Gần đây, semi-Biofloc là công nghệ mới được đơn giản hóa từ mô hình Biofloc. Người nuôi chỉ cần giữ tỷ lệ carbon: nitơ > 1,5 và tỷ lệ sinh vật tự dưỡng trên sinh vật dị dưỡng là 3:7 hoặc 4:6. Hai công nghệ này đang được người dân tại Việt Nam áp dụng rộng rãi do mức đầu tư hợp lý, và công nghệ nuôi cũng không quá phức tạp.
Công nghệ nuôi tôm trong nhà kính đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng từ rất lâu như: Mỹ, Australia, Trung Quốc… và đạt được sản lượng gấp nhiều lần nuôi tôm theo phương thức truyền thống. Đây là công nghệ nuôi tôm tiên tiến nhất thế giới với nhiều ưu điểm nổi bật, chất lượng tôm thương phẩm tăng lên rõ rệt qua mỗi vụ nuôi. So với tôm nuôi ở môi trường ngoài tự nhiên thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố về rủi ro dịch bệnh, môi trường khá cao nhưng tôm được nuôi trong công nghệ nhà kính hoàn toàn được cách ly với các tác động xấu từ bên ngoài. Nhà kính luôn được đảm bảo sạch sẽ, an toàn là môi trường để tôm sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo chất lượng.
Nuôi tôm trong nhà kính là xu hướng mô hình giúp giảm thiểu dịch bệnh. Ảnh: Phan Thanh Cường
Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm có 1 giai đoạn ương và 2 giai đoạn nuôi. Theo đó, hệ thống ao nuôi được thiết kế tới 3 ao, gồm: Ao ương, ao nuôi giai đoạn 1 và ao nuôi giai đoạn 2. Bên cạnh đó, mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Các ao ương và nuôi được thiết kế hình tròn khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh. Mô hình đã giải quyết được vấn đề mà các ao nuôi tôm thông thường gặp phải, đó là quản lý môi trường ao nuôi, nhất là chất thải và khí độc, từ đó giảm thiểu dịch bệnh cho tôm. Ngoài ra, chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh, khoáng và hóa chất xử lý nước giảm 1/3 – 1/2 so với cách nuôi truyền thống, chất lượng tôm thương phẩm cao.
Hệ thống NTTS đa dinh dưỡng tổng hợp (IMTA) là hệ thống kết hợp giữa thủy sản được nuôi chính (thường là cá hoặc tôm) với các loài thủy sinh xử lý các chất thải (một hoặc hai loài tách dinh dưỡng hữu cơ như động vật nhuyễn thể, không xương sống… và một loài tách chất dinh dưỡng vô cơ hòa tan như tảo, rong) để tạo ra hệ thống cân bằng để phục hồi môi trường, giảm thiểu chi phí, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện, hệ thống này đã trở nên quan trọng trong những thập kỷ gần đây do nhu cầu thúc đẩy các công nghệ thân thiện với môi trường trong khi duy trì năng suất trong các hệ thống NTTS.
Nuôi tôm sinh thái là hình thức nuôi tôm quảng canh kết hợp thân thiện với môi trường, sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn. Mô hình nuôi tôm sinh thái đã xuất hiện ở ĐBSCL, hay chính xác hơn là ở Cà Mau. Lợi thế của mô hình nuôi tôm sinh thái là giảm được chi phí đầu tư thức ăn và thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học do tôm chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, phân hữu cơ hoặc vi sinh có kiểm soát. Đặc biệt, không dùng hóa chất, thuốc kháng sinh trong sản xuất; đảm bảo chất lượng tôm sạch. Từ khi du nhập vào nước ta đến nay, tôm sinh thái luôn khẳng định giá trị dinh dưỡng và hương vị của bản thân. Hiện nay, các diện tích nuôi tôm sinh thái ở Cà Mau đều được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản liên kết bao tiêu đầu ra.
Aquaponics, hệ thống kết hợp giữa NTTS (nuôi cá, ốc, tôm…) và thủy canh (trồng cây trong nước) tạo thành một hệ sinh thái nhỏ ngày càng trở nên phổ biến và được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Việt Nam. Aquaponics bắt nguồn từ aquaculture và hydroponics sự kết hợp aquaculture (NTTS) và hydroponics (thủy canh) theo một quy trình tuần hoàn khép kín. Quy trình tuần hoàn của aquaponics như sau: trong ao nuôi tôm, nuôi cá luôn có chất thải như phân cá, phân tôm, thức ăn dư thừa… thải ra theo một hệ thống và dùng nước thải này tưới, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Khi cây trồng hấp thu các chất thải sạch làm cho lượng nước sạch, cung cấp trở lại cho ao nuôi cá tôm.
Đại dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới ở gần như toàn bộ các mặt hàng, trong đó dễ thấy nhất là thực phẩm, đặc biệt là nhu cầu về sản phẩm bền vững và có lượng dinh dưỡng cao. Do đó xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận ASC ngày càng tăng. Trong đó, cá tra và tôm đạt chứng nhận này rất được người tiêu dùng châu Âu đón nhận. Chứng nhận tiêu chuẩn NTTS là một trong những giấy chứng nhận giúp thông tin cho khách hàng về sản phẩm của người nuôi một cách rõ ràng và chính thống nhất. Đồng thời, giấy chứng nhận còn là “chiếc vé thông hành” có giá trị nhất được các doanh nghiệp sử dụng để xuất khẩu tôm vào các thị trường nước ngoài. Hiện nay các thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam mà đặc biệt 3 thị trường nhập khẩu lớn là Mỹ, Nhật, EU đều rất quan tâm đến các tiêu chuẩn chứng nhận quan trọng hiện nay trong NTTS là ASC, GlobalG.A.P và BAP. Đặc điểm chung của các tiêu chuẩn này là đều tập trung vào đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Thái Thuận
(Tổng hợp)