Tính trong 3 năm qua, Việt Nam xuất sang Pháp khối lượng thủy sản khoảng từ 84 – 92 triệu euro…
Pháp và châu Âu là những thị trường quan trọng và có tiềm năng cho gạo và thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tồn tại và thành công tại thị trường này, nhất là vào thời điểm khủng hoảng hiện tại, thì phải hiểu rõ đối tượng tiêu dùng và nhu cầu người tiêu dùng tại địa bàn. Đó là những nội dung trao đổi giữa đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang cùng Thương vụ và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp (AB Việt-France) ngày 18/4 tại Paris.
Toàn cảnh buổi trao đổi
Đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang dẫn đầu là Phó Chủ tịch tỉnh ông Phạm Vũ Hồng, lãnh đạo Sở ngoại vụ, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh cùng đại diện 5 doanh nghiệp lớn của tỉnh về gạo và thủy sản. Ông Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết mục đích chuyến đi của đoàn: «Kiên Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước, chúng tôi cũng muốn mở rộng xuất khẩu gạo tại đây. Chúng tôi thấy gạo Thái Lan bán tại đây rất nhiều. Chất lượng gạo của chúng ta không thua kém, nhưng khâu quảng bá và tiếp thị để tìm đối tác tại đây chúng ta chưa xúc tiến mạnh. Và mình cũng biết Pháp là một trong những nước trung chuyển khắp châu Âu.Mặt hàng thứ hai là hải sản, Kiên Giang có thế mạnh về đánh bắt và nuôi trồng, chủ lực là tôm. Đoàn doanh nghiệp đi lần này đã xuất đi nhiều nước, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản cũng đã xuất được, nên chuyến này đi là để tìm cách tìm đối tác ở Pháp để đẩy mạnh xuất khẩu ở Pháp».
Giới thiệu sơ lược với đoàn về tình hình nhập khẩu thủy hải sản của Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp khẳng định nhập khẩu của Pháp về thủy sản tăng mạnh những năm trước khủng hoảng và thời gian gần đây chững lại. Tính trong 3 năm qua, Việt Nam xuất sang Pháp khối lượng thủy sản khoảng từ 84-92 triệu euro, con số còn rất nhỏ trong tổng số giá trị nhập khẩu thủy sản của Pháp hơn 3 tỷ rưỡi euro. Đáng chú ý là mặt hàng tôm Việt Nam rất có thế mạnh và thị trường Pháp tiêu thụ nhiều thì chúng ta lại chưa xuất khẩu được nhiều vào thị trường này.
Giới thiệu về xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Pháp
Trao đổi với đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Pháp AB Viet-France ông Nguyễn Hải Nam nêu lên thực tế buồn tại Pháp hiện giờ là sự có mặt của gạo Việt Nam tại các chợ châu Á chưa nhiều, phần nhiều các bao gạo đề tiếng Việt nhưng sai chính tả, thủy sản của ta thì nhiều hơn như giá vẫn cao hơn của một số nước khác như Bangladesh, Malacca…
Theo ông Hải Nam, thị trường Pháp có một số điểm đặc thù mà nếu không đáp ứng được sẽ rất dễ thất bại, dù hàng hóa của chúng ta chất lượng cao, giá cả phải chăng. Ông Nguyễn Hải Nam cho biết: «Mỗi thị trường có đặc thù. Theo tôi, trước hết sản phẩm phải đáp ứng chất lượng. Thứ hai là phải có lòng tin. Và sau khi đã tiếp cận được thị trường thì phải tính đến thương hiệu».
Bên cạnh những yếu tố về uy tín và lòng tin thông thường như thời hạn giao hàng đúng, chất lượng hàng đảm bảo, phía Pháp thường hay đòi hỏi chứng chỉ quốc tế đối với sản phẩm – điều mà các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam rất khó đáp ứng do chi phí xin cấp chứng chỉ quá cao. Một số doanh nghiệp trong đoàn đã có kinh nghiệm xuất khẩu ở nhiều nước như Nga, Nhật Bản và Pháp thì cho biết riêng để đứng được ở thị trường Pháp mà không có chứng chỉ, họ đã phải chấp nhận điều khoản rất rủi ro là để phía Pháp trả lại hàng nếu không đảm bảo chất lượng nhưng cuối cùng vẫn không thành công.
Về nhu cầu tiêu dùng, Chủ tịch và các thành viên Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết người Pháp thường tiêu dùng ít, nên thích các sản phẩm được đóng gói khối lượng nhỏ; không ưa chuộng các loại đồ hộp do sợ chất bảo quản; và riêng sản phẩm tôm thì họ thích tôm hấp sơ hơn là tôm sống đông lạnh.
Ông Dương Công Trịnh, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Kiên Hùng khẳng định những thông tin trao đổi giúp doanh nghiệp của ông hiểu thêm về thị trường Châu Âu và sẽ có những thay đổi trong hướng xuất khẩu: «Chuyến đi này, chúng tôi thấy có một số cơ hội vào châu Âu. Về Việt Nam chúng tôi sẽ tìm những người bạn cùng làm về tôm hợp tác với nhau, và không chỉ tôm sẽ thêm các mặt hàng khác thấy phù hợp».
Cũng tại cuộc trao đổi, phía Hội doanh nhân người Việt tại Pháp cũng lưu ý các doanh nghiệp Kiên Giang nên chú ý đến đối tượng đông đảo bà con người Việt sinh sống và làm ăn tại Pháp – cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn thứ hai hiện nay. Và khi tính đường xâm nhập và mở rộng vào thị trường Pháp, các doanh nghiệp phải chú ý đến vị trí của nước Pháp cũng như một số quốc gia lân cận như Bỉ, Hà Lan trong chuỗi bán buôn- bán lẻ gạo và thủy sản cho toàn châu Âu./.