(TSVN) – Xu hướng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Thế nhưng, cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan, đặc biệt là dịch bệnh và chất thải của hoạt động nuôi.
Hiện nay trong các ao hồ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, tình trạng nấm đồng tiền (tên gọi địa phương) phát triển rất mạnh. Đây là một trong những tác nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra các bệnh trên tôm. Các loại nấm đồng tiền có mùi tanh đặc trưng, mùi này tôm rất thích ăn, khi tôm ăn phải các loại nấm này thì tôm bị bệnh đường ruột và dẫn đến các bệnh khác (teo gan, ốp thân, không phát triển…) nguy hiểm cho sức khỏe tôm và rất khó xử lý triệt để bằng hóa chất.
Theo cơ chế phát triển của nấm đồng tiền, chúng sẽ hút nước và muối khoáng để cung cấp cho tảo. Còn tảo sử dụng nước và muối khoáng thông qua quá trình quang hợp để tạo ra các chất dinh dưỡng được chia sẻ bởi cả hai (nấm và tảo). Sacharomyces carevisiae là một vi sinh vật đơn bào thuộc loài nấm men, loài này rất có lợi cho các động vật nuôi (trên cạn cũng như dưới nước). Dựa theo cơ chế sinh trưởng của nấm đồng tiền, khi nước trong ao còn sạch chưa xuất hiện hoặc xuất hiện số lượng ít bào tử của nấm đồng tiền, người nuôi có thể cung cấp một lượng vừa đủ nấm mem Sacharomyces carevisiae, để loài nấm men này phát triển phủ kín không gian ao và cộng sinh với các loài tảo có trong nước ao nuôi tôm để sinh trưởng, cạnh tranh không gian, thức ăn, ôxy với nấm đồng tiền, không cho nấm đồng tiền cơ hội để phát triển. Do đó, vấn đề cấp thiết là cần nghiên cứu và phát triển được dòng Sacharomyces carevisiae có khả năng tăng sinh nhanh chóng, phù hợp với các điều kiện môi trường nước ao nuôi tôm, giá thành hợp lý để phòng nấm đồng tiền hiệu quả trong quá trình nuôi tôm.
Cần nhiều cải thiện để nuôi tôm công nghệ cao ngày một bền vững. Ảnh: Shutterstock
Các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học như carbohydrate, protein, chất béo… trong hoạt động NTTS thường gây tác hại lớn đối với môi trường vì làm tiêu hao ôxytrong nước, gây chết tôm… Tuy nhiên, nguồn nước này lại là nguồn cơ chất tốt cho vi khuẩn quang dưỡng (VKQD) tía không lưu huỳnh tăng trưởng trong điều kiện yếm khí và vi hiếu khí. Trong đó, có một số loài sử dụng được nitrate và một số loài có khả năng sử dụng nitơ. Dựa vào các đặc điểm trên, VKQD tía không lưu huỳnh được sử dụng để xử lý NH4+/NH3, NO2 trong nước ao tôm. Điển hình như nghiên cứu của Xiaoping Zhang và cộng sự (2014) về khả năng làm giảm hàm lượng nitơ trong nước của chủng Rhodopseudamonas palustris. Kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy mức ammoniac nitơ, nitơ nitrit, tổng nitơ vô cơ và tổng nitơ trong nhóm điều trị thấp hơn đáng kể (p< 0,05) so với mức nitơ của các đối chứng. Đồng thời, VKQD được ứng dụng cùng với các vi sinh vật dị dưỡng yếm khí, vi hiếu khí và tảo trong các hệ thống làm sạch nước thải góp phần cải thiện và duy trì chất lượng nước phù hợp cho ao nuôi tôm cá. Ngoài ra, VKQD cũng có thể sử dụng Hydrogen sulfide (H2S) có trong nước thải trong điều kiện kỵ khí. H2S được tạo ra trong nước thải hữu cơ ở điều kiện kỵ khí và là sản phẩm phụ của quá trình khử dị hóa sulphate hoặc hô hấp kỵ khí sulphate.
Một loài vi khuẩn nữa cũng đã được ứng dụng rộng rãi trong xử lý nước thải nuôi tôm, đó là vi khuẩn Anammox. Việc phát hiện ra vi khuẩn Anammox đã thay đổi quan điểm về chu trình nitơ trong một nghiên cứu xử lý nước thải tích cực trên toàn thế giới. Quá trình ôxy hóa amoni yếm khí (Anaerobic Ammonium Oxidation), trong đó amoni và nitrite được ôxy hóa trực tiếp thành khí nitơ trong điều kiện yếm khí với amoni là chất cho điện tử và nitrite là chất nhận điện tử để tạo thành khí nitơ. Đây là phương pháp có hiệu quả và kinh tế so với quá trình loại bỏ amoni thông thường.
Để nuôi tôm công nghệ cao bền vững, khắc phục triệt để những tình trạng trên, trước hết, cần quy hoạch lại các vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao. Thực hiện mô hình tuần hoàn khép kín cả chất thải và nước thải, đáp ứng các tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt về chất lượng tôm thương phẩm, tiêu chuẩn xả thải, tiêu chuẩn về giảm khí thải carbon, tiêu chuẩn về sử dụng hóa chất, kháng sinh và các tiêu chuẩn cao của quốc tế (ESG…). Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu các chế sinh học chuyên dụng, có chất lượng cao và ổn định, giá thành hợp lý để giảm thiểu dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh, xử lý triệt để chất thải thải ra môi trường, đáp ứng được năng suất, sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất và xuất khẩu tôm do các nhà nhập khẩu yêu cầu.
Phan Văn Hài
Tổng Giám đốc Tập đoàn Haicorp