Quản lý pH trong ao nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Các yếu tố ảnh hưởng đến biến động của pH?

(Nguyễn Thị Lan,  xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Trả lời:

Trong một ngày pH thường cao nhất vào khoảng từ 14 – 16 giờ và thấp nhất vào rạng sáng từ 4 – 6 giờ. Vào ban ngày, thực vật thủy sinh thực hiện quá trình quang hợp đã hấp thụ khí CO2 làm hàm lượng khí CO2 trong nước giảm thấp dẫn đến độ pH tăng. Ban đêm thực vật thủy sinh thực hiện quá trình hô hấp thải ra khí CO2, khí CO2 phản ứng với nước tạo ra axit carbonic làm nước chua dẫn đến độ pH giảm. Cùng một điều kiện (độ kiềm, chất đáy…) nếu ao có mật độ tảo càng cao thì mức độ dao động pH theo ngày càng lớn. Vào mùa hè, do các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, các chất hòa tan…) thuận lợi nên thực vật thủy sinh phát triển mạnh làm độ pH của nước biến đổi mạnh. Vào mùa đông thì ngược lại do nhiệt độ thấp và cường độ chiếu sáng yếu nên thực vật thủy sinh kém phát triển, pH của nước thường ổn định hơn.

Ngoài ra, trong ao nuôi, pH còn biến động theo tầng nước. Cụ thể, pH tầng mặt thường cao hơn tầng đáy. Mức độ chênh giữa pH tầng mặt và pH tầng đáy phụ thuộc vào lượng chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao, tính chất của đất đáy. Chất hữu cơ tích tụ nhiều do bón quá nhiều phân hữu cơ, cho ăn không hợp lý… khi phân hủy sẽ tạo ra axit cacbonic, các axit hữu cơ như axit humic, axit fulvic, H2S… làm pH của nước giảm thấp. Ở các vùng đất phèn nếu ao không được cải tạo tốt axit có thể thẩm lậu vào nước làm pH tầng đáy rất thấp.

Hỏi: Biện pháp kiểm soát pH trong ao nuôi?

(Phạm Văn Phú, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Khi pH cao: Cần thay nước sạch với lượng 20 – 30% tổng lượng nước trong ao. Nếu pH > 8,5 vào buổi sáng, có thể dùng đường cát hoặc mật rỉ đường với liều lượng 0,3 kg/1.000 m2, tạt đều khắp ao. Đây được xem là phương pháp hạ pH trong ao nuôi hiệu quả và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, có thể sử dụng phèn nhôm Al2 (SO4)3.14H2O, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì để giảm độ pH của nước. Chạy quạt nước với công suất tối đa 24/24 để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho ao. Mật độ thả thưa thì hàm lượng ôxy là 4 ppm, nhưng mật độ dày thì ôxy phải đảm bảo 6 – 8 ppm. Ngoài ra khi pH tăng cao, do việc sử dụng vôi không hợp lý, cần phải giảm sử dụng các loại vôi.

Khi pH thấp: pH thấp trong ao nuôi thường do axit thẩm lậu từ đất phèn, axit bị rửa trôi sau các trận mưa giông, do tích lũy quá nhiều chất hữu cơ hoặc do tảo tàn. Tùy theo nguyên nhân làm giảm pH và theo thực tế, người nuôi có thể áp dụng các biện pháp xử lý như sau: Đối với ao nuôi vùng đất phèn, pH có thể giảm mạnh (< 4,5) gây chết cá, do đó để quản lý pH thấp vùng đất phèn khi cải tạo ao không nên phơi đáy ao nứt nẻ dưới ánh nắng mặt trời. Ao mới đào nên thường xuyên trao đổi nước, bón vôi (CaCO3 hay Dolomite) và bón phân. Trường hợp khi pH thấp do tảo tàn, có thể thay nước rồi bón vôi nhằm đảm bảo độ pH và hệ đệm, vớt bỏ bọt không tan, sục khí liên tục và giảm cho ăn. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước ao. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 – 20 kg/m2 để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!