(TSVN) – Theo OECD và FAO, sản lượng ngũ cốc toàn cầu dự kiến tăng 13% vào năm 2027. Sản xuất nông nghiệp và khối lượng giao dịch thương mại trong ngành sẽ phải tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khi dân số bùng nổ. Các công ty hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ hưởng lợi, trong đó có cả các công ty sản xuất thủy, hải sản.
Trung Quốc và Mỹ là hai yếu tố được kỳ vọng mang lại tăng trưởng cho thị trường thủy sản toàn cầu trong các năm tiếp theo, đặc biệt là khi Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19. Trị giá thương mại thủy sản của Mỹ ước đạt 6,4 tỷ USD trong năm 2022. Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng được kỳ vọng đạt quy mô thị trường dự kiến 51,2 tỷ USD vào năm 2026 cùng tốc độ tăng trưởng kép 3,7%.
Trong số các thị trường địa lý đáng chú ý khác, Nhật Bản và Canada được dự báo tăng trưởng lần lượt 1,3% và 2,1% vào năm 2026. Tại châu Âu, Đức được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép CAGR khoảng 1,6%.
Những tiến bộ công nghệ đã được áp dụng vào sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối sản phẩm thủy, hải sản đang tác động tích cực đến xu hướng tiêu dùng của mặt hàng này trên toàn thế giới trong các năm qua. Tận dụng cải tiến công nghệ trong chế biến, nhiều loại sản phẩm thủy, hải sản được tung ra thị trường ở dạng sơ cấp, thứ cấp như cá nguyên con bỏ ruột, fillet, thăn, kebab, bít tết và cốt lết; các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như nướng, tẩm ướp, chiên sơ, hun khói, tẩm gia vị, tẩm bột… đang thu hút nhiều người tiêu dùng hơn.
Theo FAO, giá trị thương mại của thị trường thủy sản toàn cầu dự kiến đạt quy mô 134 tỷ USD trong vòng 3 năm nữa. Ảnh: SeafoodSource
Tiêu thụ thủy, hải sản cũng đang tăng lên ở các nước đang phát triển và kém phát triển hơn ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người tại các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á đều tăng dần, trở thành động lực thúc đẩy sản xuất và nâng cao sản lượng thủy sản. FAO dự báo trong tương lai, các nước đang phát triển sẽ chiếm hơn 80% tổng lượng tiêu thụ thủy sản vào năm 2030, tuy nhiên Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục định hình các luồng thương mại thủy sản toàn cầu và sẽ là các động lực chính trong ngắn và trung hạn.
Cá ngừ là một trong những hải sản được ưa chuộng nhất thị trường phương Tây trong năm qua và chiếm gần 25% tổng lượng tiêu thụ các mặt hàng thủy, hải sản. Tại thị trường này, cá ngừ được chia làm hai loại gồm cá ngừ thịt trắng (albacore) và cá ngừ thịt màu (ví dụ cá ngừ vằn, vây vàng).
Trong phân khúc cá ngừ toàn cầu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kép 2% cho ngành. Các thị trường tại những khu vực này chiếm quy mô lên đến 7,9 tỷ USD và dự kiến tăng lên 9,5 tỷ USD vào năm 2026. Trong số này, Trung Quốc là thị trường đơn lẻ đạt tốc độ phát triển nhanh nhất. Trong khi đó, thương mại thủy sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đầu là các thị trường Australia, Ấn Độ và Hàn Quốc, được dự báo đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2026. Trong khi đó thị trường cá ngừ châu Mỹ Latinh sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép 2,4% vào năm 2026.
Cá ngừ là mặt hàng thủy sản chính tại EU, mức độ phổ biến chỉ đứng sau cá hồi. Năm ngoái fillet cá ngừ là sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất, thay thế cá ngừ nhập khẩu nguyên con với khối lượng nhập khẩu xấp xỉ 200.000 tấn.
Theo FAO, giá trị thương mại của thị trường thủy sản toàn cầu ước đạt 116,8 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt quy mô 134 tỷ USD trong vòng 3 năm nữa cùng với tốc độ tăng trưởng kép CAGR 2,9%. Thủy, hải sản, các loài sinh vật biển và thủy sinh có thể ăn được, gồm cá, thân mềm, giáp xác là một thực phẩm không thể thiếu của loài người kể từ khi bắt đầu quá trình tiến hóa. Trong năm qua, cá và các loại hải sản vẫn thực phẩm then chốt và có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng cư dân sinh sống ven biển hoặc sông ngòi, OECD ghi nhận trong Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2022.
Trong năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản từ kênh dịch vụ ẩm thực như nhà hàng, khách sạn vẫn tiếp tục tăng. Urner Barry cho biết, doanh số bán lẻ thủy sản vẫn đang và sẽ chịu tác động cũng như sự chi phối từ nhu cầu của người tiêu dùng, sự đa dạng của sản phẩm, nhất là các sản phẩm dễ chế biến và tốt cho sức khỏe. Nhiều sản phẩm thủy sản mới như cá cobia, rô phi, và cá chẽm đã tìm được những chỗ đứng trên thị trường thủy sản toàn cầu trong năm qua. Sự xuất hiện của những mặt hàng này bên cạnh nhóm hàng truyền thống như tôm, cá da trơn, cá hồi sẽ góp phần thúc đẩy doanh số thủy sản trong các năm tới.
Cạnh đó, phân khúc cá đáy (chủ yếu gồm các loại cá biển thịt trắng như cá tuyết cod, haddock, cá minh thái hoặc cá bơn) cũng được kỳ vọng bứt phá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng kép 2,6% và trị giá thương mại toàn cầu 37,3 tỷ USD vào cuối năm 2026. Phân tích kỹ lưỡng các tác động của đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, cho thấy tăng trưởng của phân khúc cá nổi đã được Globefish của FAO điều chỉnh về mức tăng trưởng kép 3,6% trong giai đoạn 7 năm tới. Tuy nhiên, Rabobank dự báo thương mại cá hồi và tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, dẫn đầu ngành hàng thủy sản.
Dũng Nguyên
Tổng hợp