(TSVN) – Sáng ngày 16/2/2023, được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, 12 giáo sư, nghiên cứu sinh và sinh viên của Đại học Tokyo, Nhật Bản và cán bộ Đại học Cần Thơ đã có chuyến tham quan thực tế để nghiên cứu mô hình tôm – lúa tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Tại buổi tham quan, đại diện phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên đã thông tin, giải thích và mô tả cụ thể mô hình luân canh tôm – lúa tại huyện Mỹ Xuyên. Mô hình luân canh tôm – lúa được hình thành từ những năm 1990 khi việc sản xuất nhân tạo giống tôm sú được thực hiện thành công tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Khi đó, một số hộ dân đã mua tôm sú giống từ các tỉnh miền Trung để nuôi tăng năng suất vào mùa khô thay cho việc đóng mở cống để bắt tôm cá tự nhiên với năng suất thấp; vào mùa mưa thì vùng tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên được ngọt hoá hoàn toàn do lượng nước ngọt và nước mưa từ thượng nguồn đổ về, nhờ vậy người dân có thể trồng 1 vụ lúa luân canh ngay trên nền đất nuôi tôm của vùng này. Từ đó, với hiệu quả khả quan của mô hình, nhiều nông dân khác làm theo và cũng đạt hiệu quả kinh tế cao và dần dần mô hình ngày càng được nhân rộng hình thành nên hệ thống luân canh tôm – lúa của huyện Mỹ Xuyên.
Đại diện phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên giải thích thông tin và mô tả mô hình luân canh tôm – lúa tại huyện
Trải qua trên 30 năm hình thành và phát triển, với những thăng trầm, có những năm nuôi tôm thành công lớn, người dân chuyển sang nuôi chuyên tôm 2 vụ rồi 3 vụ trong năm, không lắp lại lúa trên nền tôm, làm cho môi trường ô nhiễm, mầm bệnh tôm lưu tồn, dẫn đến những mùa tôm thất bại, rồi người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc luân canh 1 vụ lúa trên nền tôm là để làm sạch môi trường, cắt đứt mầm bệnh cho tôm vụ sau được thành công.
Bên cạnh đó, với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Tỉnh ủy Sóc Trăng, Huyện ủy Mỹ Xuyên và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã đã duy trì và phát triển mô hình luân canh tôm – lúa ngày càng hiệu quả hơn, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ như: tỷ lệ tôm nuôi bị thiệt hại ngày càng giảm (năm 2022, tỷ lệ tôm bị thiệt hại chỉ chiếm 5,4% diện tích thả giống), sản lượng tôm nuôi ngày càng tăng (năm 2022, sản lượng tôm nuôi của huyện Mỹ Xuyên là 48.451 tấn, đạt 102,7% kế hoạch 47.200 tấn, với diện tích canh tác 17.700 ha). Ngoài ra, đã sản xuất thành công trên 50 ha lúa ST25 đạt chứng nhận hữu cơ và hàng trăm ha lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ…
Các giáo sư, nghiên cứu sinh và sinh viên Đại học Tokyo đánh giá cao mô hình luân canh tôm – lúa tại huyện Mỹ Xuyên; đây là mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và là mô hình “thông minh”, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đại biểu tham quan cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc một số hộ dân chuyển đổi mô hình sang chuyên tôm, việc ảnh hưởng của thuỷ triều, nước biển dâng cao đến mô hình tôm – lúa, định hướng của huyện để duy trì và phát triển mô hình này ngày càng cao hơn, nhiều hơn,… và mong muốn sẽ có dịp hợp tác để tạo ra sản phẩm con tôm, hạt gạo chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới.
Các đại biểu tham quan mô hình chụp hình lưu niệm tại ruộng tôm – lúa toạ lạc tại ấp Hoà Tân, xã Hoà Tú 1, huyện Mỹ Xuyên
Tin rằng, với sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Đảng uỷ các xã; đồng thời, với sự hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học từ các viện, trường trong và ngoài nước; mô hình luân canh tôm – lúa huyện Mỹ Xuyên sẽ còn phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và đặc biệt góp phần xây dựng huyện Mỹ Xuyên thành huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Tăng Thanh Chí