(TSVN) – Ngành tôm toàn cầu đang đứng trước một năm đầy khó khăn, nhất là với thị trường châu Á. Nhiều trại nuôi quy mô nhỏ có nguy cơ bị đánh bật khỏi thị trường.
Giá tôm từng cao vào thời điểm dịch COVID-19 hạ nhiệt vào cuối năm 2021, nhưng lúc đó hầu hết các trại nuôi tôm đều bị lỗ. Ngay cả Ecuador, quốc gia ghi nhận sản lượng tôm tăng 30% trong năm 2022, tương đương tổng sản lượng tôm của Thái Lan trong một năm, cũng đang dần trở nên kém cạnh tranh hơn.
Thực tế, nền kinh tế đã bị đô la hóa của Ecuador giúp quốc gia này thoát khỏi khủng hoảng và đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan. Nhưng Ecuador không còn tự mình quyết định các vấn đề tiền tệ và lợi thế cạnh tranh cũng bị suy giảm so với các quốc gia khác, do không thể sử dụng chính sách tỷ giá khi sức mạnh của đồng đô la tăng lên. Thứ hai, khi Chính phủ Ecuador chấm dứt trợ cấp dầu cho ngành tôm, đồng nghĩa chi phí sản xuất tăng lên, siết chặt lợi nhuận của nhiều trại nuôi quy mô nhỏ, dẫn đến xu hướng mua lại và thúc đẩy nhanh quá trình hợp nhất.
Tôm hiện đang là nguồn protein tương đối rẻ nên thu hút người tiêu dùng, nhưng nhiều thị trường còn tồn đọng tôm nhập khẩu dự trữ từ cuối năm 2022. Ảnh: Cultiva Futuro
Theo dự đoán của Rabobank, nhu cầu tiêu thụ tôm thường bắt đầu giảm vào mùa hè tại Mỹ và châu Âu, trong khi phục hồi mạnh mẽ vào mùa thu ở Trung Quốc. Trong quý III/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 1 tỷ USD mặt hàng tôm, tăng vọt 43% so con số 300 – 400 triệu USD của cùng kỳ 2021. Diễn biến này hoàn toàn trùng khớp với kỳ vọng của Trung Quốc về việc mở cửa thị trường nội địa vào cuối năm. Thực tế, Chính phủ nước này đã công bố hơn 20 biện pháp nới lỏng hạn chế dịch COVID-19 và tất cả công ty nhập khẩu cùng các hãng kinh doanh đã trong tâm thế sẵn sàng chào đón người mua hàng quay trở lại kênh dịch vụ ẩm thực cùng với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Hưởng lợi nhiều nhất từ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc sẽ là Ecuador. Ngược lại, thiệt hại mà Ecuador phải gánh cũng lớn nhất nếu tiêu thụ tôm tại Trung Quốc trong năm 2023 không như kỳ vọng.
Một số trại nuôi tôm quy mô nhỏ tại Ecuador có nguy cơ bị xóa sổ trong năm nay do chi phí sản xuất vượt giá thành sản phẩm. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ sẽ có những thay đổi trong năm 2023. Tôm hiện đang là nguồn protein tương đối rẻ nên thu hút người tiêu dùng nhưng nhiều thị trường còn tồn đọng tôm nhập khẩu dự trữ từ cuối năm 2022. Những yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ biến động giá cả khi cung vượt cầu. Tuy nhiên, diễn biến này còn phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ tôm ở thị trường Trung Quốc hiện đang khó đoán do dịch COVID-19.
Trong năm qua, ngành tôm của Ấn Độ rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất. 100% người nuôi tôm thua lỗ vì giá bán tôm tại cổng trại suy giảm thất thường cùng với chi phí đầu vào tăng vọt. Bangladesh vẫn đang loay hoay tìm kiếm hướng đi mới, tránh phụ thuộc vào tôm sú và tôm càng xanh là những mặt hàng kém cạnh tranh hơn TTCT. Tuy nhiên, với giá tôm hiện nay, ngành tôm Ấn Độ vẫn chưa thể phục hồi trở lại. Trong khi đó, ngành tôm của Indonesia cũng có nguy cơ đi xuống dù xuất khẩu tăng 9% trong 9 tháng đầu năm 2022 bởi quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Gorjan Nikolik, một chuyên gia về ngành thủy sản tại Rabobank dự báo sản xuất tôm của châu Á trong năm nay chỉ đạt mức khiêm tốn, trong khi giá tôm không có nhiều cải thiện đáng kể so với mức hiện tại. Suy thoái kinh tế toàn cầu cộng với tình trạng dư cung khiến giá tôm toàn cầu giảm trong nửa cuối năm ngoái. Tại Mỹ, chỉ số giá TTCT trong 3 tháng đầu năm 2022 là 4,4 USD/pound, sau đó giảm xuống 4 USD vào đầu tháng 6/2022 và hiện nay là 3,9 USD/pound. Trong khi đó, giá thức ăn tăng 25% so với năm 2019 khiến ngành tôm khó chồng khó. Rabobank nhận định chung, ngành tôm châu Á, nơi chiếm 2/3 tổng sản lượng tôm thế giới đang thực sự suy giảm và nhiều nông dân bỏ nghề hoặc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đây là lần đầu tiên sản lượng tôm châu Á đi xuống, kể từ năm 2013.
2023 sẽ là một năm khó khăn cho thị trường châu Á. Các nền kinh tế châu Á không thoát được các tác động từ cuộc suy thoái ở phương Tây. Trong khi đó, sức tiêu thụ tôm của Trung Quốc cũng khó đoán và phụ thuộc vào COVID-19, bởi Chính phủ nước này có thể tái khởi động chính sách hạn chế nghiêm ngặt bất cứ lúc nào dịch bệnh bùng lên. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ tôm tại châu Âu và Mỹ đã hạ nhiệt vào nửa cuối năm và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sôi động trở lại.
Vũ Đức
Theo Shrimpinsight và Thefishsite