(TSVN) – Đây là định hướng được nhấn mạnh trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt.
Cụ thể, vùng sẽ phát triển kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình; tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển và phát huy vai trò động lực các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các tuyến giao thông kết nối cảng biển, cảng hàng không, các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước. Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; đào tạo nhân lực biển. Đầu tư, xây dựng Trường Đại học Hàng hải là trường trọng điểm quốc gia, nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nhân lực đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực để phục vụ phát triển kinh tế biển.
Mô hình nuôi cá tại TP Hải Phòng. Ảnh: Khuyến nông Hải Phòng
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng và phát triển khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Cùng đó, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng nông nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao , sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất sản phẩm có giá trị cao theo chuỗi giá trị, tuần hoàn. Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu. Tập trung đầu tư hoàn thành Trung tâm hậu cần nghề cá lớn tại thành phố Hải Phòng. Phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp với bảo vệ chặt chẽ, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển và khu bảo tồn thiên nhiên.
Ngoài ra, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số và dữ liệu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh các ngành công nghiệp phục vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp như công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Hình thành cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển theo chuỗi giá trị…
PV