(TSVN) – Đầu năm 2022, ngành thủy sản có một nhiệm vụ trọng tâm là “180 ngày thực hiện chống khai thác IUU” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đặc biệt, trước ngày 31/3/2023 phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Sáng 3/2/2023, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm chống IUU. Những vấn đề còn tồn tại được nhấn mạnh để khắc phục. Đó là, quản lý đội tàu, cường lực khai thác chưa chặt chẽ; tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn cao; một số tàu cá sử dụng giấy đăng ký giả; công tác giám sát sản lượng qua cảng, cấp giấy xác nhận không đảm bảo độ tin cậy. Nghi ngờ công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hải sản sử dụng hồ sơ giả. Cần quy định cụ thể về phạt nặng tàu vi phạm và cả thu hồi giấy phép của cảng cá nếu việc quản lý kém hiệu quả.
Một vấn đề cũng đặt ra, hiểu đầy đủ về IUU để thực hiện. TS Nguyễn Toàn Thắng là Giám đốc Viện Luật So sánh và bà Nguyễn Thị Hồng Yến là Giảng viên chính Khoa Luật Quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) có bài trên Tạp chí Pháp luật và Phát triển số tháng 1/2023 phân tích nội hàm của thuật ngữ IUU. Theo đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã giải thích: IUU là những hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định về đánh bắt cá, nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững. Điều này cho thấy, khi nào lợi ích do hành vi IUU mang lại lớn hơn chi phí bỏ ra, giá trị của hành vi IUU lớn hơn giá trị của các hình phạt thì IUU vẫn tồn tại.
Đánh bắt cá bất hợp pháp (Illegal fishing): Tàu thuyền nước ngoài đánh bắt trong vùng biển của một quốc gia ven biển mà không có giấy phép, sai quy định của giấy phép hoặc tại vùng biển không được phép đánh bắt.
Đánh bắt cá không được báo cáo (Unreported fishing): Đánh bắt chưa báo cáo hoặc đã báo cáo sai với cơ quan có thẩm quyền, trái với pháp luật và quy định của quốc gia.
Đánh bắt cá không theo quy định (Unregulated fishing): Đánh bắt trong khu vực thuộc thẩm quyền của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực bởi tàu không quốc tịch, hoặc tàu treo cờ của quốc gia không phải là thành viên của tổ chức và không thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Việc đánh bắt không theo quy định có thể xảy ra với: Tàu cá không có quốc tịch hoặc mang cờ của một quốc gia không phải thành viên của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực; và tàu cá của một quốc gia đánh bắt tại vùng biển quốc tế.
“Trên thực tế, khi đề cập đến khái niệm IUU với ba nhóm hành vi trên, nhưng các quy định của FAO không nhằm tách biệt độc lập từng nhóm hành vi mà luôn đặt nó trong tổng thể chung để điều chỉnh một cách đầy đủ các hoạt động khai thác đánh bắt cá trên biển. Khái niệm IUU của FAO cũng được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế khác ở cấp độ khu vực như của EU, đặc biệt là Quy định của Hội đồng châu Âu số 1005/2008 ngày 29/9/2008 thiết lập Hệ thống quản lý về ngăn ngừa và xóa bỏ các hoạt động IUU”, hai tác giả viết.
Có thể thấy công tác chống IUU bao gồm cả công tác kiểm soát tại các cảng để sản phẩm bất hợp pháp không vào được Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Nếu như chỉ vì “thẻ vàng” mà ảnh hưởng đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế là một điều không để xảy ra. Do vậy, quyết tâm của chúng ta rất lớn; phía trước còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không gì là không thể khi chúng ta đã phấn đấu và đạt được những thành quả trong 5 năm qua”.