(TSVN) – Từ khi Trung Quốc thông báo mở cửa biên giới trở lại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sốt sắng tìm cách đưa hàng hóa thâm nhập vào thị trường này bằng con đường chính ngạch, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng và lợi thế giữa hai nước, cộng đồng doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)” do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày 8/3, đại diện VASEP thông tin: Trong giai đoạn 2018 – 2022, thương mại thủy sản Việt Nam – Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Theo thống kê, hiện nay có 7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc gồm: Tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỷ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị; sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu. Nếu tính riêng về thương mại thủy sản Việt Nam – Quảng Tây thì đây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD.
Khoảng 70% sản phẩm tôm hùm của Phú Yên được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, hoạt động thông quan hàng nông, thủy sản và các sản phẩm nông, thủy sản được triển khai tại tất cả các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn Móng Cái và có triển vọng ngày càng gia tăng cả về chủng loại, sản phẩm hàng hóa cũng như số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Thời gian qua, lượng hàng và các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua lối thông quan này đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm và trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng hàng đạt 116.275 tấn tăng 22% so cùng kỳ 2022.
Tuy có sự tăng trưởng và nhiều tín hiệu khả quan nhưng theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, nhóm hàng thủy sản cũng đang có những khó khăn nhất định để đưa được vào thị trường Trung Quốc. Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH XNK Vĩ Tuyến cho hay, doanh nghiệp đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế. Theo đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới, tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.
Là một địa phương hướng đến nuôi tôm hùm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và có tới khoảng 70% sản phẩm tôm hùm bán sang Trung Quốc, nhưng theo ông Nguyễn Trí Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khi xuất khẩu theo đường hàng không gây tốn nhiều chi phí, dẫn đến lãi thấp. Do đó, đề nghị Quảng Ninh và phía Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận chuyển và thông quan nhanh chóng theo đường bộ. Cùng đó, đề xuất Bộ NN&PTNT sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi tôm hùm trong bể trên bờ và trên biển; xét cấp Code cho “HTX dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu”, hướng dẫn các điều kiện kỹ thuật từ đầu vào đến đầu ra, nhằm đảm bảo sản phẩm tôm hùm nuôi đáp ứng yêu cầu nhập khẩu phía Quảng Tây. Còn về phía doanh nghiệp Quảng Tây và chính quyền phía Trung Quốc, ông Phương đề nghị phía bạn thông tin minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, cỡ loại, mùa vụ, giá cả tôm hùm để người nuôi chủ động nuôi và xuất bán đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả, đảm bảo đôi bên cùng có lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch tôm hùm nuôi qua đường bộ.
Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản được thực hiện hoàn toàn trên Hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Tuy nhiên, việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của phía Việt Nam. Tháo gỡ vướng mắc này, Cục khuyến nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh việc phê duyệt các hồ sơ đăng ký trên CIFER; phê duyệt hồ sơ đăng ký cơ sở bao gói thủy sản sống và hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp, đề nghị ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đối với cơ quan quản lý cần tích cực liên hệ với GACC để bố trí họp trực tuyến nhằm trao đổi, giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình đăng ký trên CIFER; tích cực liên hệ, đôn đốc phía Trung Quốc xử lý kiến nghị của phía Việt Nam.
Tại Diễn đàn, ông Tô Vạn Quang, Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng có trụ sở ở TP Khâm Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thông tin, hiện, chính quyền TP Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1, với diện tích 600 mẫu tính theo đơn vị của Trung Quốc (khoảng 40 ha), khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy, hải sản. Trong giai đoạn 2 của dự án, kho lạnh được nâng lên diện tích khoảng 60 ha, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy, hải sản. Do vậy, khi có sàn giao dịch và kho lạnh, xuất khẩu thủy, hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng. Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng sẽ là nơi các bên mua, bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm đối với doanh nghiệp và khách hàng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Móng Cái cần tập hợp lại các vướng mắc và gửi về Cục Chất lượng, Chế biến và Thị trường nông sản để Bộ làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trong thời gian tới. Mặt khác, cần sớm nghiên cứu đề xuất thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp nông sản Việt Nam – Trung Quốc, là thành viên của Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ, nhằm kết nối, thông tin về thị trường nông sản.
An Chi