(TSVN) – Với tỷ lệ bổ sung phụ phẩm ngô và gia cầm phù hợp trong khẩu phần của cá da trơn lên đến 30%, ngành nuôi trồng có thể giảm sự phụ thuộc vào thành phần dinh dưỡng đắt tiền và các phương pháp xử lý chất thải tốn kém.
Các phụ phẩm chế biến thịt như bột phụ phẩm gia cầm, bột lông vũ, bột thịt xương được đánh giá là thành phần thức ăn thủy sản tiềm năng. Trước đây, chỉ một phần nhỏ phụ phế phẩm được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhờ cải tiến công nghệ, giờ đây phụ phẩm được tận dụng thay vì thải đi theo cách ít thân thiện với môi trường.
Phụ phẩm gia cầm sấy khô cùng với các thành phần thức ăn khác, sau đó lên men sẽ cho một hỗn hợp phụ gia thức ăn thủy sản thay thế hiệu quả. Nghiên cứu của Nazeer, S. et al. 2022 đã đánh giá hiệu quả của hỗn hợp này trong khẩu phần ăn của cá nheo Mỹ. Đây không chỉ là giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, gia tăng giá trị cho các phụ phế phẩm, đồng thời giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Ba thử nghiệm tăng trưởng được tiến hành tại Đại học Auburn (Auburn, Ala., Mỹ) để kiểm tra hiệu quả của bột phụ phẩm ngô gia cầm (hỗn hợp phế phẩm gia cầm chế biến và ngô được sấy khô). Đây là một sản phẩm dinh dưỡng mới và thử nghiệm tăng trưởng đầu tiên được thực hiện trong phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng thay thế bột ngô nguyên hạt bằng hỗn hợp bột ngô gia cầm (PCBM) trong khẩu phần ăn hàng ngày của cá da trơn.
Các nghiệm thức được chuẩn bị tại phòng thí nghiệm dinh dưỡng thủy sản, Khoa NTTS, Đại học Auburn theo quy trình thức ăn tiêu chuẩn cho cá. Khẩu phần cơ bản và khẩu phần thử nghiệm đều đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cá. Chế độ ăn cơ bản được điều chỉnh với các mức bổ sung bột ngô gia cầm lần lượt 0, 5, 10, 15, 20, 25 và 30 g/100 g thức ăn để thay thế tỷ lệ tương ứng bột ngô nguyên hạt: 30, 25, 20, 15, 10, 5 và 1 g/100 g thức ăn; đồng thời thêm bột ngô làm chất độn.
Trong thử nghiệm (84 ngày nuôi), nhóm chuyên gia đánh giá 7 mức PCBM (0, 5, 10, 15, 20, 25 và 30%) trong khẩu phần 32% protein và 6% lipid. Thử nghiệm thứ 2 (143 ngày nuôi) được tiến hành tại 12 vèo với 4 mức PCBM (0, 10, 20 và 30%) với 600 cá giống trọng lượng trung bình ban đầu 42,3 ± 5,06 g trong mỗi vèo. Để xác thực lại kết quả, nhóm nghiên cứu thực hiện thử nghiệm thứ 3 trong 6 vèo với 2 mức PCBM 0 và 30% với 600 con cá (42,3 ± 5,06 g) trong mỗi vèo. Ở cả ba thử nghiệm, sau khi kết thúc, tiến hành đo chỉ số gan (HIS), mỡ bụng (IPF) và tỷ lệ thịt xẻ (bỏ đầu, ruột).
Kết quả thử nghiệm đầu tiên đã chứng minh PCBM có thể được sử dụng với tỷ lệ lên đến 30% trong các chế độ ăn của cá da trơn khi thay thế toàn bộ bột ngô và một lượng nhỏ bột gia cầm mà không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào lên tăng trưởng của cá.
Nhóm cá bổ sung 20% PCBM đạt mức tăng trọng cao nhất (57,5 g), trong khi tăng trọng ở nhóm cá 30% PCBM là 52,8%. Thành phần dinh dưỡng của PCBM được đánh giá tốt hơn bột ngô vì chứa nhiều protein hơn (11,8% trong PCBM so với 7,83% trong bột ngô). Do đó, các axit amin thiết yếu như lysine và methionine cũng cao hơn.
Trong thử nghiệm đầu tiên, không có sự khác biệt đáng kể về khả năng duy trì năng lượng ở tất các các nghiệm thức, nhưng có sự khác biệt về khả năng duy trì protein ở cá. Tỷ lệ giữ lại protein cao nhất (36,6%) được tìm thấy trong nhóm PCBM 25% và thấp nhất (28,3%) trong PCBM 15%. Chỉ số gan (HSI) và mỡ bụng (IPF) trong thử nghiệm đầu tiên không có sự khác biệt đáng kể, cho thấy mức dự trữ năng lượng của cá tương tự nhau.
Tuy nhiên, HSI ở chế độ cơ bản cao hơn đáng kể các chế độ khác do tỷ lệ chất béo ở chế độ ăn này cao hơn. Trong thử nghiệm 1, nhóm nghiên cứu cũng không phát hiện sự khác biệt đáng kể về độ ẩm, protein hoặc tro trong cơ thể cá ở tất cả các nghiệm thức, nhưng có sự khác biệt đáng kể về hàm lượng chất béo.
Trong thử nghiệm tăng trưởng thứ hai, kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa tất cả các chỉ số tăng trưởng: sinh khối, trọng lượng trung bình, tăng trọng, tổng thức ăn, FCR và tỷ lệ sống của cá. Để xác định chỉ số điều kiện (K), lấy mẫu 30 con cá ở mỗi vèo, ghi lại chiều dài thân và trọng lượng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về tổng chiều dài, trọng lượng hoặc chỉ số K của cá ở các chế độ ăn khác nhau. Đối với HSI, IPF và tỷ lệ thịt xẻ, lấy mẫu 15 con cá ở mỗi vèo và kết quả cho thấy không khác biệt đáng kể về HSI và tỷ lệ thịt xẻ nhưng khác biệt đáng kể về IPF. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng không phát hiện sự khác biệt về các thành phần protein, chất béo và tro của thân cá trong tất cả các nghiệm thức.
Thử nghiệm thứ ba được tiến hành trong 6 vèo với 2 chế độ ăn; các chế độ ăn công nghiệp giống thử nghiệm 2, nhưng chỉ chọn ra hai chế độ ăn gồm cơ bản và PCBM30 để phân tích. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể các chỉ số tăng trưởng của cá trong tất cả các nghiệm thức. Lấy mẫu 15 con cá trong mỗi vèo để kiểm tra chỉ số K, HSI, IPF và tỷ lệ thịt xẻ, kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể.
>> Các phát hiện từ nghiên cứu này cho thấy, bột phụ phẩm ngô gia cầm (PCBM) có thể được sử dụng tới 30% trong khẩu phần ăn của cá da trơn, góp phần thúc đẩy ngành NTTS bền vững, gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp chế biến và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Dũng Nguyên
Theo School of Fisheries, Aquaculture and Aquatic Sciences, Đại học Auburn, Alabama, Mỹ