(TSVN) – Ngày 23/3, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam”. Dự án trị giá 4,3 triệu EURO do EU tài trợ, được tổ chức Oxfam phối hợp triển khai cùng Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, ICAFIS, VCCI.
Dự án được triển khai từ năm 2018 – 2023 tại 5 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh đã góp phần cải thiện thực trạng bằng phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi. Đồng thời, đây cũng là một sáng kiến nằm trong nỗ lực của EU cùng với các tổ chức xã hội tại Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2030.
Qua 5 năm triển khai, dự án đã giúp hơn 34.000 người có thu nhập ổn định từ sản xuất nghêu và tre, hơn 4.000 việc làm mới được tạo ra, tổ chức lại 125 nhóm sản xuất, 63 doanh nghiệp cải thiện sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, giá trị xuất khẩu nghêu của Việt Nam sang EU tăng đến 40%, xuất khẩu tre tăng 42%; đóng góp xây dựng chính sách quốc gia và định hướng phát triển vùng nghêu/tre cấp tỉnh.
Thông tin tại Hội thảo, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam Vũ Thị Quỳnh Hoa nhấn mạnh, phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản lý chuỗi không chỉ hướng tới tăng thu nhập của từng mắt xích trong chuỗi, mà quan trọng hơn là chuỗi giá trị được tổ chức công bằng, lợi ích và rủi ro được chia sẻ giữa các bên. Từ đó, người sản xuất nhỏ vốn chịu nhiều thiệt thòi trước đây sẽ được hưởng lợi ích công bằng từ tăng trưởng. Đó là động lực để họ phát huy vai trò chủ thể của những thực hành sản xuất bền vững, bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên và tạo ra lợi ích xã hội cho cộng đồng.
Dự án đã phối hợp cùng các địa phương tiến tới cải tiến kỹ thuật cho nông dân nhằm đạt các chứng chỉ quốc tế như MSC (Marine Stewardship Council) và ASC (Aquaculture Stewardship Council) dành cho nghêu, FSC (Forest Stewardship Council) dành cho tre. Các chứng chỉ này không chỉ là giấy thông hành để đưa các mặt hàng sản phẩm tới những thị trường xuất khẩu lớn (Mỹ, EU, Nhật…) mà còn giúp bảo tồn vùng nguyên liệu nghêu và tre bền vững, qua đó hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội. Kết quả, năm 2019, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt chứng chỉ FSC cho tre, kế tiếp đến các huyện Quế Phong (Nghệ An) và huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) liên tiếp đạt chứng chỉ này. Đầu năm 2023, Trà Vinh là vùng nuôi nghêu thứ ba trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Đây được xem là bước tiến dài cho ngành nghêu và tre của Việt Nam.
Sản phẩm nghêu đạt chứng nhận ASC được xem là bước tiến dài cho ngành nghêu Việt Nam, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Oxfam
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, được sự tài trợ của EU và các tổ chức trong nước và quốc tế, 5 năm qua (kể từ năm 2018 đến nay), Sở NN&PTNT tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp các đơn vị hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX nuôi nghêu nghiêm túc thực hiện để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá của chứng nhận ASC. Nhờ đó, nghề nuôi nghêu Trà Vinh đã vinh dự đạt được chứng nhận ASC với tổng diện tích 433 ha tại 3 HTX là: Thành Công 200 ha, Tiến Thành 193 ha, Long Thành 40 ha.
Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc HTX nghêu Thịnh Lợi (Bến Tre) chia sẻ, sau 5 năm tham gia dự án, tham dự nhiều lớp tập huấn trực tiếp, thành quả lớn nhất là nắm vững cách thức điều hành bộ máy sản xuất và đã cung cấp cho thị trường sản phẩm nghêu sạch cát tự nhiên. Trước đây, người nuôi nghêu như ông Quyết chỉ bán nghêu nguyên liệu cho thương lái, phải đối mặt với tình trạng ép giá, thời gian thu hoạch kéo dài, chi phí tăng lên dẫn tới lợi nhuận giảm. Hiện nay, HTX đã ký kết bao tiêu sản phẩm với nhà máy, đồng nghĩa phải thay đổi quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, HTX cũng cung ứng ra thị trường, phục vụ khách lẻ sản phẩm nghêu đóng túi hút chân không. Thông qua hỗ trợ của dự án, sản phẩm nghêu của HTX Thịnh Lợi đã tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước, tăng khả năng tiếp cận, khai thác thị trường tiêu thụ và khách hàng mới. “Giá nghêu bán tại chỗ có giá 20.000 đồng/kg, ra hội chợ, chúng tôi dự định chào bán với giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc, thống nhất, trên cơ sở đánh giá chất lượng, tôi mạnh dạn để giá 50.000 đồng/kg. Không ngờ sản phẩm dự kiến bán trong 3 ngày nhưng chỉ trong một buổi sáng đã bán hết”, ông Quyết chia sẻ.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS khẳng định, chuyển từ sản xuất đơn lẻ, sang sản xuất theo HTX giúp người sản xuất nhỏ có điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, như bảo tồn nghêu giống, nuôi và khai thác nghêu nước sâu, làm sạch cát và phân loại theo nhiều kích cỡ trước khi đóng gói… nhờ đó đem lại giá trị cao hơn.
Hồng Hạnh