Từ đầu vụ nuôi trồng thủy sản năm 2013 đến nay, do thời tiết diễn biến phức tạp nên dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã xảy ra tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, người nuôi và ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý môi trường nước.
Dịch bệnh tràn lan
Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên (Sở NN&PTNT), tại vùng nuôi thủy sản thuộc thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), thời gian qua cá mú nuôi bị chết hàng loạt, biểu hiện ở cá từ 0,1 đến 0,7kg/con là lở loét trên cơ thể. Do cá bị chết nhiều, bà con thu gom không hết xác cá chết để tiêu hủy nên thả trôi trên đầm và dạt vào bờ làm ô nhiễm môi trường nước của các hộ nuôi còn lại, có khả năng lây lan mầm bệnh. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), cho biết: “Qua thống kê, đến nay số lượng cá mú bị bệnh chết trên địa bàn xã Xuân Thịnh hơn 188.000 con. Cách đây nửa tháng, do cá chết nhiều, bà con thu gom không kịp, còn nay tình hình đã dần ổn định trở lại, cá vẫn còn chết lai rai. Hiện tình trạng cá chết trôi nổi trên đầm không còn xảy ra, các cơ quan chức năng và địa phương đã hướng dẫn người dân mang cá chết vào bờ, phun thuốc tiêu độc khử trùng và chôn lấp đúng quy định”.
Không chỉ ở cá mú, tôm hùm và tôm thẻ chân trắng nuôi tại TX Sông Cầu, Đông Hòa và Tuy An cũng bị bệnh và chết. Tại vùng nuôi thôn Phú Dương (Xuân Thịnh) và Vũng Chào (Xuân Phương) các triệu chứng tôm chết như trắng sữa, long đầu, đen mang… Còn tôm thẻ chân trắng có biểu hiện đốm trắng, suy gan tụy. Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: “Đến nay, diện tích thả nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 320ha, nhưng đã có 30ha tôm nuôi bị bệnh, tập trung ở các xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam, Hòa Xuân Đông, Hòa Hiệp Trung… Trạm Thú y huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, nguyên nhân ban đầu được xác định tôm bị bệnh chết có biểu hiện của triệu chứng suy gan tụy cấp. Các ngành chức năng của huyện đã phối hợp với các xã có nuôi tôm tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi cách phòng bệnh và chăm sóc tôm nuôi, đồng thời tổ chức khoanh vùng, xử lý phun thuốc tiêu độc khử trùng số diện tích tôm bị bệnh nhằm tránh lây lan ra diện rộng”.
Người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (Đông Hòa) tăng cường chạy máy sục khí tạo ô xy cho tôm nuôi – Ảnh: A.Ngọc
Tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi
Theo Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, qua phân tích kết quả quan trắc môi trường mới đây, tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu hầu hết các điểm nuôi tôm hùm có mật độ vi khuẩn vibrio cao. Tại các vùng nuôi ở huyện Tuy An, chỉ tiêu pH tại vùng nuôi xã An Cư thấp và chỉ đạt 7,4 (ngưỡng cho phép từ 7,8 đến 8,5); PO4 tại các vùng nuôi thuộc xã An Cư và An Hòa cao hơn ngưỡng cho phép (0,18mg/l và 0,4mg/l; ngưỡng cho phép nhỏ hơn 0,1mg/l); chỉ số Fe tại vùng nuôi xã An Cư cao đến 0,5mg/l (ngưỡng cho phép nhỏ hơn 0,1mg/l). Tại các vùng nuôi ở huyện Đông Hòa, chỉ số vibrio tại vùng nuôi thôn Phước Long, xã Hòa Tâm vượt ngưỡng cho phép gấp 2 lần; các chỉ số pH, độ mặn, độ kiềm đạt thấp; chỉ số Fe tăng cao so với ngưỡng cho phép; chỉ số PO4 tại cầu Xác Cháy, xã Hòa Tâm cao do khu vực này đang cải tạo ao hồ đã xả thải ra môi trường…
Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản khuyến cáo người nuôi phải cho tôm ăn thức ăn tươi, sạch; xác tôm chết, thức ăn thừa phải tiêu hủy hợp lý xa khu nuôi, mật độ lồng nuôi tôm hùm quá dày nên giãn lồng nhằm hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, người nuôi cần tham khảo quy trình điều trị bệnh tôm hùm đã được công bố để phòng ngừa bệnh đạt hiệu quả. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom cá chết tiêu hủy đúng quy định. Các điểm nuôi theo dạng hồ hở ở đầm Ô Loan (Tuy An) cần chuyển đổi đối tượng nuôi như cua xanh, hàu; các vùng nuôi còn lại cần xử lý nguồn nước thật kỹ trước khi thả giống; một số vùng nuôi có tôm, cá đang bị bệnh cần phải dập dịch, tiêu độc sát trùng và ngưng không thả tôm, cá khu vực này. Chất lượng nước tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (Đông Hòa) chưa đạt yêu cầu, cần kiểm tra chất lượng nước và trung hòa bằng vôi trước khi thả giống. Riêng chỉ tiêu Fe và chỉ số vibrio tại vùng nuôi thôn Phước Long, xã Hòa Tâm vượt ngưỡng cho phép, có thể phát triển mạnh hơn trong tháng 5, bà con nên sử dụng vi sinh nhằm làm giảm mật độ vibrio.
Ông Lê Quang Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản, cho biết: “Trung tâm đã có công văn gửi các địa phương trong tỉnh có nuôi trồng thủy sản, đề nghị cần xử lý nguồn nước thật kỹ trước khi thả nuôi bằng chlorine 30ppm nhằm tiêu diệt vi khuẩn vibrio trong ao nuôi. Nên chọn giống ở các cơ sở sản xuất có thương hiệu, cần kiểm tra các loại bệnh để có con giống đạt chất lượng. Cần chú trọng công tác phòng bệnh giai đoạn đầu, sử dụng thức ăn bổ sung và khoáng vi lượng giúp tôm không bị co cơ, đục thân trong giai đoạn từ 20 đến 45 ngày tuổi, đồng thời xử lý vi sinh định kỳ làm sạch môi trường ao nuôi để hạn chế nhóm vibrio phát triển”.