T6, 21/04/2023 03:50

Vietshrimp 2023: Dấu ấn công nghệ

(TSVN) – Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (VietShrimp 2023) diễn ra trong 3 ngày từ 12 – 14/4/2023 đã chính thức khép lại. Và lần thứ tư này, ngày hội lớn nhất của ngành tôm Việt Nam và khu vực tiếp tục thành công, thu hút đông đảo sự tham gia của các doanh nghiệp thủy sản, các nhà khoa học, chuyên gia, bà con nông dân và những người quan tâm đến con tôm Việt Nam.

VietShrimp 2023 với chủ đề “Nâng tầm chuỗi giá trị” diễn ra từ ngày 12 – 14/4/2023 tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại TP Cần Thơ.

 

Năm nay, VietShrimp 2023 đã chứng kiến sự vượt trội về quy mô triển lãm. Theo thống kê của Ban Tổ chức, các gian hàng trưng bày của Hội chợ đã vượt qua cả “sơ đồ thiết kế” với hơn 200 gian hàng của trên 150 nhà doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản. Tất cả đều thể hiện được rõ mong muốn và khát vọng đưa ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững và vươn tầm.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2023 nhấn mạnh: “Với VietShrimp 2023, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam một lần nữa tiếp tục khẳng định mong muốn được đồng hành, gắn kết, sẻ chia giữa bốn nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông trên chặng đường phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam”.

 

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) cũng cho biết, VietShrimp 2023 là nơi bà con nuôi tôm có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại cùng với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp. Đây cũng là sự kiện quan trọng để cộng đồng nuôi tôm Việt cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, khắc phục những điểm yếu để nâng tầm chuỗi giá trị tôm Việt.

 

Vậy là qua 3 lần tổ chức rất thành công vào các năm 2016, 2018 và 2021, VietShrimp 2023 tiếp tục tạo được dấu mốc mới không chỉ với số lượng gian hàng, số lượng doanh nghiệp mà còn là lượt khách tham quan đông đảo (khoảng 15.000 lượt khách) và một chương trình VIP tour đầy ấn tượng. Hội chợ đã chứng minh vị trí là triển lãm có quy mô lớn nhất và toàn diện nhất của riêng ngành tôm Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam Á và cả châu Á. Và minh chứng cho uy tín và sức hút đó chính là việc Hội chợ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp cho lần tổ chức tiếp theo.

Trước tiên, phải kể đến là công nghệ nuôi tôm “3 Tốt” của Công ty TNHH Uni-President. Theo đại diện Công ty thì mô hình “3 Tốt” là: Lợi nhuận tốt – Tăng trưởng tốt – Tỷ lệ thành công tốt. Nuôi tôm “3 Tốt” sử dụng diện tích xử lý nước nhỏ chỉ bằng 1/3 diện tích theo mô hình đang được khuyến cáo hiện nay. Điều đáng nói là mô hình tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm tôm.


Tại Vietshrimp 2023, Tập đoàn Thăng Long đã trưng bày mô hình TLSS – Thang Long Smart System – dành cho tôm thẻ chân trắng (TTCT). Quy trình nuôi tôm TLSS có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Gièo 1 – 25 ngày, mật độ 2.000 con/m2, đạt size 1.500 – 2.000 con/kg; Giai đoạn 2: Nuôi từ 25 – 60 ngày, mật độ 300 – 500 con/m2, đạt size 100 – 150 con/kg; Giai đoạn 3: Nuôi từ 60 ngày đến thu hoạch, mật độ 120 – 250 con/m2, nuôi đến size xuất bán theo nhu cầu thị trường.


Còn Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam mang tới Hội chợ mô hình CPF-Combine House. Ở mô hình này, ao nuôi có hình chóp nón hoặc hình tháp. Ao có vật liệu trụ thép hoặc bê tông ở giữa. Sau đó căng cáp hoặc dây cước, rồi lợp mái bằng lưới và bạt trắng mỏng nên dễ xây dựng, chi phí thấp. Chi phí xây dựng mô hình CPF-Combine House khoảng 70 – 120 triệu đồng/1.000 m2.

Một công nghệ nổi bật khác là ương mật độ cao và nuôi 3 giai đoạn – Giải pháp của Vinhthinh Biostadt. Mô hình có thể thích hợp với các hạng mục đầu tư phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả toàn vụ nuôi ở nhiều khu vực khác nhau. Áp dụng mô hình này, tôm được nuôi qua 3 giai đoạn.

 

Ngoài ra, còn phải kể đến công nghệ  “VUS bền vững” của Tập đoàn Việt Úc. Điểm nổi bật của mô hình này chính là việc nuôi hạn chế thay nước, quy trình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, hóa chất… từ đó tránh tác động tới môi trường; Mô hình SUCCESS được Tập đoàn Skretting Việt Nam xây dựng với phương châm ”phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giúp người nuôi tăng lợi nhuận lên 30 – 40% so với các mô hình nuôi thông thường…

 

Và thu hút không kém đó là máy thu hoạch tôm mà nhiều trang trại tôm đã áp dụng. Máy hỗ trợ thu hoạch tôm trực tiếp từ ao nuôi tôm mà không làm tôm bị ngộp nước hay trầy xước thân tôm. Giúp tiết kiệm thời gian thu hoạch nhưng vẫn đạt năng suất cao. Công suất thu hoạch 8 – 10 tấn/giờ.

 

Với định hướng tăng năng suất nhưng không tăng diện tích trong nuôi tôm thì những công nghệ này đã trở thành trợ thủ đắc lực của bà con nông dân. Và đây cũng chính là yếu tố quan trọng mà Hội chợ Triển lãm VietShrimp 2023 luôn chú trọng.

Khác với những lần tổ chức trước đây, VietShrimp 2023 đã mở rộng hơn các phiên hội thảo chuyên ngành, không chỉ tăng thêm về thời lượng mà thời gian cũng được đẩy sớm hơn.


Ngay sau lễ khai mạc và chuyến tham quan gian hàng của Ban Tổ chức, đại diện UBND TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và các sở, ban, ngành liên quan, Hội thảo chuyên đề về định hướng chính sách phát triển ngành tôm đã chính thức diễn ra.


Một hội thảo chuyên sâu đã đưa ra đầy đủ bức tranh của ngành tôm Việt Nam. Tại đây, TS Nguyễn Hữu Lộc đã dẫn chứng từ thành công của ngành tôm Ecuador và nhấn mạnh việc “để sản xuất hiệu quả tối ưu, ngành tôm Việt Nam cần phải thay đổi. Đó là thiết kế trang trại đơn giản hơn, rút ngắn chuỗi cung ứng, mật độ thả giống thấp hơn, chương trình quản lý rủi ro/bệnh tật tốt hơn, quản lý stress, tăng khả năng mở rộng sản xuất”.


Đồng quan điểm, TS Phạm Anh Tuấn cũng chia sẻ: “Phải đổi mới chính sách phát triển ngành tôm và công nghệ. Bởi nếu không đổi mới thì ngành tôm Việt Nam rất khó để phát triển được như kỳ vọng”.


Và tại ba phiên tiếp theo trong chiều 12 và ngày 13/4, các diễn giả đã giới thiệu đến đại biểu những công nghệ mới, những giải pháp mới mà thế giới đã và đang áp dụng, có thể đóng góp cho hiệu quả sản xuất của ngành tôm Việt Nam trong hành trình sắp tới, nhất là vấn đề số hóa trong nuôi tôm hiện nay…


Thành công tại các khu nhà triển lãm và mỗi phiên hội thảo đã khiến VietShrimp 2023 có thêm một ấn tượng mới trong lòng các nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà khoa học, bà con nuôi trồng thủy sản nói chung nuôi tôm nói riêng của TP Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL trù phú.

So với các VietShrimp tổ chức trước đây, lần này có nhiều gian hàng hơn, quy mô lớn hơn. Hai bên tiền sảnh giới thiệu các sản phẩm mới khá bắt mắt. Sảnh chính tập trung các “đại gia” lĩnh vực thức ăn, con giống và chế phẩm nuôi tôm, với nhiều quảng bá mới mẻ như: Những dòng tôm bố mẹ mới có các tính trội rõ nét, các loại thức ăn mới bổ sung nhiều dưỡng chất, mang tính chất đột phá về tăng trưởng cho con tôm nuôi…

 

Các sảnh còn lại là những gian hàng trưng bày thiết bị liên quan đến ao tôm, vuông tôm như: Mô hình quạt phao trong ao, mô hình quạt mô tơ đặt ngoài ao, các loại quạt nước cải tiến, thiết bị sản xuất vi sinh phục vụ ao tôm… Đáng chú ý là các mô hình nuôi của các cơ sở cung ứng con tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm nổi tiếng của C.P.; Grobest; Thăng Long; Việt Úc; Uni-President… Tương lai, đây là cứu cánh của các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ.

 

Còn gì đáng nhớ ở các gian hàng công nghệ ao tôm? Có gian hàng giới thiệu mô hình ao nuôi bằng chất liệu composite, bảo hành lâu dài, sử dụng thiết bị cho ăn tự động đặt sát thành ao, rất đơn giản và dễ vận hành. Cái hay của mô hình này là diện tích ao có nhiều cỡ từ 500 – 1.200 m2, đáp ứng xu thế nuôi ao nhỏ hiện nay. So với các mô hình ao trước đây sử dụng ống tuýp uốn cong làm sườn thành ao hay panel lắp ráp, thì mô hình ao nuôi bằng chất liệu composite bền chắc, an toàn hơn nhiều.

 

Bên kia sảnh, giới thiệu thiết bị thu hoạch tôm hoặc để chuyển sang tôm giữa các ao. Trại nào nuôi quy trình nhiều giai đoạn, nếu quy mô kha khá, thì có thể sắm thiết bị này, để giảm rủi ro khi sang tôm tại các ao. Trong xu thế bảo đảm phúc lợi động vật, thì các trại nuôi lớn phải trang bị thiết bị hiện đại để thu hoạch tôm, đáp ứng yêu cầu bên tiêu thụ cuối cùng.

 

Tập trung nhất, đông đảo nhất là các gian hàng giới thiệu các loại chế phẩm phục vụ nuôi tôm. Bây giờ tôm nhiễm bệnh là chuyện thời sự, nên các chế phẩm có tác dụng xoay quanh nâng cao sức chống chịu, sức đề kháng cho tôm. Có sản phẩm quảng bá “nóng” hơn, giới thiệu chế phẩm có thể ngăn chặn tôm nhiễm dịch, giúp chữa bệnh cho tôm hiệu quả. Người nuôi tôm đến tới VietShrimp 2023, chắc chắn sẽ thu thập được nhiều thông tin bổ ích, cải thiện được ít nhiều chất lượng nuôi tôm của mình, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể.

 

Tôi với anh bạn là chuyên gia về tôm, quan tâm chuyện có phần thời sự hơn. Đáng chú ý phải kể đến gian hàng SIS của Mỹ, nhà cung ứng tôm bố mẹ chiếm khoảng 60% thị phần tôm bố mẹ tại Việt Nam. Bây giờ các trại cung ứng tôm nuôi của chúng ta, không lo phải đặt hàng tôm bố mẹ xa xôi nữa, SIS đã có văn phòng ở Việt Nam.

 

Ngành tôm Việt Nam đang hết sức lo lắng, vì sức cạnh tranh đang sụt giảm, bởi các đối thủ lớn nhất thế giới là Ecuador, Ấn Độ. Hai quốc gia này cung ứng cho toàn cầu ngày càng nhiều tôm giá rẻ. Đáng lo hơn, hiện tại việc nuôi tôm của chúng ta đang gặp khó khăn nặng nề, vì tôm nuôi bị vi bào tử trùng (EHP) bùng phát tấn công trên diện rộng. VietShrimp 2023 góp phần đưa ra những lời giải hữu hiệu, cho những bài toán hết sức gian nan nói trên của ngành tôm Việt Nam hiện nay.

 

Trong thời gian diễn ra VietShrimp 2023, còn có nhiều Hội thảo liên quan đến con tôm. Chúng tôi biết nỗ lực rất cao của Ban Tổ chức, cũng như vai trò cần thiết của VietShrimp 2023 trong bối cảnh hiện nay, nhằm góp phần nâng tầm con tôm Việt Nam vượt qua khó khăn không nhỏ hiện nay.

 

Những thông tin chúng tôi nhận được từ Hội chợ là không ít và hết sức quý báu. Tôi nghĩ sự lan tỏa những tín hiệu tích cực mà VietShrimp 2023 mang đến là hết sức to lớn, nó sẽ góp phần đáng kể, vực dậy lĩnh vực nuôi tôm nói riêng, ngành tôm Việt Nam nói chung.

 

 TS Hồ Quốc Lực

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!