Phòng, trị một số bệnh trên tôm thẻ chân trắng

Đánh giá bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin hỏi bệnh chết sớm trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) thường xuất hiện và giai đoạn nào của tôm? Biện pháp phòng bệnh hiệu quả?

(Hoàng Văn Huấn, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)

Trả lời:

Bệnh tôm chết sớm (EMS) hay còn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), bệnh thường xuất hiện ở giai đoạn tôm được 45 ngày tuổi, làm cho tôm chết hàng loạt gây thiệt hại nghiêm trọng. Nguyên nhân là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây nên, chúng tiết ra loại độc tố rất mạnh phá hủy mô và làm rối loạn chức năng của gan tụy trong hệ tiêu hóa của tôm. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị, cần lưu ý các biện pháp phòng để tránh gây thiệt hại cho tôm:

Đảm bảo con giống sạch bệnh, thường xuyên sát trùng dụng cụ, thiết bị, nguồn nước trong trại sản xuất tôm giống. Tiến hành sốc Formol 100 – 200 ppm trong 30 giây đến 1 phút để chọn ra tôm post khỏe và loại trừ tôm giống nhiễm bệnh. Chủ động quản lý ao nuôi thông qua các bước chuẩn bị ao nuôi đúng quy trình, trại nuôi có ao lắng đúng quy cách, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; có các biện pháp cắt mầm bệnh đối với các ao nuôi đã từng xuất hiện bệnh thông qua việc luân canh và đa canh, có thời gian phơi và cày đáy ao đủ lâu giữa các vụ nuôi, luân canh tôm – lúa, tôm – cá, đa canh với cá hoặc nuôi cá trong ao lắng.

Có thể nuôi ghép tôm với cá rô phi để phòng bệnh. Không nên thả với mật độ cao, thả với mật độ thấp vừa phải thì nó có tác dụng diệt tảo đáy, làm sạch đáy ao, ăn các con tôm bệnh chết giúp giảm sự lan truyền của bệnh…

Hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong suốt vụ nuôi, nên dùng các chế phẩm sinh học để quản lý dịch bệnh và môi trường ao nuôi. Khi thu hoạch tôm nên lưu ý diệt khuẩn trước khi xả nguồn nước ra ngoài môi trường nhằm tránh sự lây lan mầm bệnh qua các ao khác.

Hỏi: Nguyên nhân dẫn đến TTCT giảm ăn, bỏ ăn? Xin hỏi biện pháp xử lý trường hợp này như thế nào?

(Lý Chi Bằng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Trong quá trình nuôi, khi TTCT giảm ăn hoặc bỏ ăn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể do một số yếu tố cụ thể:

Ôxy hòa tan: Ôxy hòa tan trong nước không đảm bảo do hệ thống quạt nước, tảo tàn… Khi ôxy thấp tôm sẽ giảm ăn, thậm chí bỏ ăn hoàn toàn nếu ôxy dưới 2 mg/l.

Nhiệt độ: Tôm ăn khỏe, tiêu hóa tốt khi nhiệt độ vào khoảng 22 – 300C, khi nhiệt độ tăng hoặc giảm đột ngột, tôm sẽ giảm ăn hoặc bỏ ăn.

Tôm mắc bệnh: Bệnh đường ruột, phân trắng, bệnh do virus HPV, MBV kí sinh trên gan tụy làm tôm bị còi… đều làm tôm giảm ăn, bỏ ăn và chết.

Ao có khí độc: Quá trình tích tụ các chất thải sẽ sinh ra các loại khí độc như NH3, H2S… các loại khí này sẽ làm tôm giảm ăn, bỏ ăn… tôm bị nổi đầu, kéo đàn, tấp mé.

Thức ăn kém chất lượng: Người nuôi vô tình sử dụng các loại thức ăn kém chất lượng, hoặc bảo quản thức ăn không đúng cách làm thức ăn ẩm, mốc. Thức ăn không kích thích tôm bắt mồi và dễ làm tôm bị mắc bệnh.

Khi phát hiện tôm có hiện tượng giảm ăn, cần kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, ôxy hòa tan để có biện pháp điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Tôm giảm ăn, bỏ ăn và có hiện tượng nổi đầu, kéo đàn thì có thể khí độc đã xuất hiện trong ao, dùng yucca để hấp thụ khí độc, cấp cứu tôm nổi đầu, giảm lượng thức ăn trong lúc xử lý và tăng trở lại khi đã xử lý khí độc. Kết hợp dùng vi sinh xử lý đáy thường xuyên để phân hủy các chất mùn bã hữu cơ làm sạch nước, ngăn chặn vi khuẩn và khí độc phát triển. Thức ăn phải có khả năng dẫn dụ, kích thích tôm bắt mồi tốt, từ đó giúp cho việc sử dụng thức ăn của tôm được tốt hơn tránh tình trạng dư thừa làm ô nhiễm nước ao nuôi. Cần chọn thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn chất lượng: kích thước, màu sắc, hình dạng đồng đều, ít bụi, bề ngoài mịn, mùi thơm hấp dẫn, lâu tan trong nước, phải thu hút tôm bắt mồi.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!