(TSVN) – Tháng 4 là cao điểm mùa khô ở ĐBSCL, nắng nóng khá gay gắt. Sang tháng 5, thời tiết lại bước sang giao mùa diễn biến khá bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây hại. Nhiều địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại cho tôm nuôi.
Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.190 ha tôm nước lợ, đạt 32,4% so kế hoạch và bằng 100,1% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 1.570 ha, năng suất bình quân 3,1 tấn/ha, sản lượng 4.830 tấn, đạt 24,7% so kế hoạch và bằng 104,6% so cùng kỳ.
Đến nay, tổng diện tích thiệt hại trên tôm là 54,47 ha (tôm sú 6,62 ha; tôm thẻ chân trắng 47,85 ha), bằng 2,5% so với diện tích thả nuôi. Nguyên nhân là nghi sốc môi trường (50 ha); bệnh đốm trắng (3,02 ha); hoại tử gan, tụy cấp tính (1,45 ha). Thiệt hại mất trắng 4,47 ha và thiệt hại có thu hoạch 50 ha. Thiệt hại xảy ra ở huyện Cần Đước 25 ha, Cần Giuộc 1,4 ha và huyện Châu Thành 28,07 ha.
Năm nay, thời tiết thay đổi bất thường, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm quá rộng khiến các chỉ số môi trường biến động, làm tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu; môi trường suy giảm tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát. Để người nuôi tôm kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện một số biện pháp như theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi để điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, cần chủ động xử lý nguồn nước, bổ sung nước vào ao nuôi khi cần thiết, khắc phục hiện tượng phân tầng nước do mưa lớn.
Ngoài ra, người nuôi tôm nên sử dụng men tiêu hóa, bổ sung vitamin và khoáng chất trộn vào thức ăn nhằm tăng đề kháng cho tôm. Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới, tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến thất thường, người nuôi tôm nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm, nếu thấy dấu hiệu bất thường, nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chức năng, địa phương và lực lượng thú y cơ sở sớm khoanh vùng, xử lý, tránh lây nhiễm trên diện rộng.
Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh, từ trung tuần tháng 4 này, thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng rất gay gắt với nhiệt độ lên đến 37 – 38oC nhưng về đêm khuya nhiệt độ tại các ven vùng biển xuống thấp.
Do chịu ảnh hưởng sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm diễn ra liên tục đã làm biến động xấu môi trường nước ao nuôi, ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm nuôi, phát sinh nhiều diện tích tôm nuôi bị chết do nhiễm các bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột.
Cụ thể, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 538 ha tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị chết trong giai đoạn 25 – 55 ngày tuổi, với tổng số lượng hơn 250 triệu con tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cũng cho biết, hiện, đơn vị đang cùng Phòng NN&PTNT các huyện vùng ven biển Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải tăng cường hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi.
Cán bộ kỹ thuật kết hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi; đo nhiệt độ nước và vận hành tốt hệ thống quạt ôxy để hạn chế thấp nhất biến động xấu môi trường nước ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Tính từ đầu vụ đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với số lượng hơn 767 triệu con tôm sú và hơn 2,64 tỷ con tôm thẻ chân trắng trên tổng diện tích gần 18.000 ha mặt nước.
An Nhiên