(TSVN) – Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền, tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ có hiệu quả cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp quyết liệt thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Nhiệm vụ, giải pháp chung là tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh.
Đồng thời, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; số hóa, giải quyết các thủ tục hành chính và kiểm soát giám sát các hoạt động doanh nghiệp và thu thuế, phí, lệ phí. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá về chiến lược: đào tạo nguồn nhân lực, thể chế, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông để giảm chi phí logistics, điện để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản. Ảnh: PTC
Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lâm sản và thủy sản, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và phát triển bền vững; các doanh nghiệp chủ động vươn lên, tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm có mẫu mã độc đáo, nâng cao chất lượng, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan đến hoàn thuế VAT; hỗ trợ các hiệp hội tổ chức hiệu quả các hội chợ triển lãm về đồ gỗ, thuỷ sản, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường lớn, thị trường mới nổi nhất là thị trường ngách. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản liên quan đến quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản. Đồng thời, triển khai các biện pháp phù hợp nhằm chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trong chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản, giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại NTTS, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh hợp tác công tư trong sản xuất, chế biến và kinh doanh đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản.
Bộ NN&PTNT: Chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.
Bộ Tài chính: Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu kiến nghị của 2 Hiệp hội về giảm thuế giá trị gia tăng). Vận dụng chính sách tài khóa mở rộng linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công thương: Tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại. Hướng dẫn các cơ chế, quy định của luật pháp để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi; chỉ đạo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, các tham tán thương mại với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng và thị trường ngách.
Bộ Ngoại giao: Phối hợp tổ chức kết nối giữa thị trường trong nước và ngoài nước, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước; cung cấp các thông tin về thị trường; kịp thời cung cấp thông tin thay đổi chiến lược, cơ chế chính sách, thể chế của các nước để các cơ quan, doanh nghiệp có biện pháp thích ứng phù hợp.
Bộ Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan, bảo đảm khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với quốc tế, nhất là chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu đối với lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản và lâm sản; khẩn trương đề xuất cơ chế sử dụng Quỹ khoa học công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học phát triển ngành nông nghiệp, nhất là đối với 2 lĩnh vực thủy sản và lâm sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiên cứu các chính sách về đất đai đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn, nhất là đối với các quy hoạch về đất đai; quy định về giao đất, giao rừng, giao mặt nước, giao mặt biển… Đồng thời, xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện, năng lực ngành thuỷ sản và tiệm cận quy định của quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên – bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông dân, ngư dân. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong NTTS; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong NTTS.
Vân Anh