Tính đến cuối tháng 4/2013, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục duy trì ở mức cao, đảm bảo cho người nuôi có lãi. Trong khi đó, bên cạnh một số địa phương có diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng cao, thì cũng có không ít nơi lại sụt giảm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, cho biết so với tuần trước, hiện giá tôm thẻ chân trắng tại Trà Vinh được các nhà máy chế biến thủy sản mua vào ổn định ở mức cao.
Phân loại tôm sau thu hoạch – Ảnh: Trung Chánh.
Cụ thể, đối với tôm thẻ loại 50 con/kí lô gam có giá 130.000 – 135.000 đồng/kí lô gam; loại 60 con/kí lô gam có giá 115.000 – 120.000 đồng/kí lô gam và 105.000 – 110.000 đồng/kí lô gam đối với loại 70 con/kí lô gam.
Đối với tôm sú, theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm sú tại Cà Mau hiện được thương nhân thu mua tại ao với giá 225.000 – 235.000 đồng/kí lô gam đối với loại 20 con/kí lô gam; 160.000 – 170.000 đồng/kí lô gam đối với loại 30 con/kí lô gam và loại 40 con/kí lô gam có giá 145.000 – 150.000 đồng/kí lô gam.
“So với mọi năm, nhìn chung giá tôm nguyên liệu năm rất cao, đa số bà con nuôi tôm đều có lãi khá”, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng nhận xét.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi tôm sú tại Bạc Liệu đạt gần 103.740 héc ta, sản lượng ước đạt 14.010 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Cà Mau, diện tích nuôi tôm sú đạt khoảng 266.650 héc ta, sản lượng ước đạt 30.700 tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tại Sóc Trăng diện tích nuôi tôm lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nhiệm của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết vụ tôm năm nay, bà con nông dân chỉ thả nuôi được khoảng 435 héc ta trên tổng số 2.600 héc ta diện tích của Hiệp hội, tức diện tích thả nuôi chỉ đạt khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.