(TSVN) – Việc thiếu lao động chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, tổn thất sau thu hoạch và giá thành còn cao… là những khó khăn, thách thức mà lĩnh vực khai thác thủy sản đang phải đối diện. Do đó, cấp bách tìm giải pháp gỡ khó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản trước mắt và lâu dài, để tiến tới một nghề cá hiện đại và bền vững.
Thông tin tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và triển khai các Chương trình, Đề án trọng tâm trong lĩnh vực khai thác thủy sản giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Nghệ An; đại diện Cục Thủy sản cho biết, hoạt động khai thác thủy sản thời gian qua gặp một số khó khăn trở ngại như: Việc thay đổi cơ cấu tổ chức từ một đơn vị quản lý (Tổng cục) chung thành 2 đơn vị quản lý (2 Cục) bước đầu sẽ gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm, giá nguyên nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao.
Hoạt động khai thác thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Vũ Mưa
“Thẻ vàng” của EC chưa được tháo gỡ, cường lực khai thác chưa giảm theo mức yêu cầu của Chiến lược đề ra, trong khi nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Tình hình phức tạp về an ninh trật tự trên biển (các nước tăng cường kiểm soát tàu cá, ngư trường khai thác bị thu hẹp), các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 về quản lý khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả, có trách nhiệm đang được triển khai thực hiện tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, việc giảm cường lực đánh bắt tại các tỉnh còn rất khó khăn, tình trạng tàu cá ít hơn nhiều so với hạn ngạch giao nên rất khó đối chiếu khi EC vào kiểm tra; quy chuẩn, tiêu chuẩn khai thác cho từng ngành nghề chưa hoàn thiện; công nghệ bảo quản chế biến trên tàu còn lạc hậu, tổn thất hải sản sau đánh bắt còn lớn; công tác quản lý sản lượng cá tại các cảng còn bất cập…
“Hiện nay, để gỡ “thẻ vàng” EC đối với thủy sản, nước ta phải giảm sản lượng khai thác biển; nhưng để phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống ngư dân, giá trị hải sản phải được nâng lên. Vì vậy, không có cách nào khác là phải nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác và nâng giá trị chế biến. Các địa phương phải tiếp tục rà soát để phát triển đội tàu và giám sát đánh bắt theo vùng biển được quy hoạch” – Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong phát triển ngành thủy sản, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển, theo lộ trình đến năm 2025 phải đạt chỉ tiêu 850.000 tấn, hiện tại đã đạt trên 700.000 tấn nhưng chủ yếu là nuôi lồng bè gần bờ, mật độ quá cao, kết hợp môi trường ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ rủi ro. Vì vậy, phải thúc đẩy nghề nuôi biển xa bờ để tăng sản lượng hải sản phục vụ xuất khẩu. “Chủ trương sẽ tạo điều kiện tối đa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia để thúc đẩy giá trị toàn ngành. Muốn làm được, ngành thủy sản, chính quyền địa phương phải rà soát, tổng hợp chi tiết, kịp thời tham mưu có hiệu quả để sớm tháo gỡ những nút thắt, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ liên quan đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, chính sách hỗ trợ phát triển tàu cá và chuyển đổi nghề. Đồng thời, sẽ trang bị thêm các công cụ, phương tiện trên tàu cá để giám sát đánh bắt, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trên biển.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm 2023, Ninh Thuận đặt mục tiêu khai thác trên 124.000 tấn hải sản. Để đạt kế hoạch, tỉnh tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các chủ phương tiện sửa chữa, nâng cấp tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hàng hải hiện đại giúp ngư dân vươn khơi khai thác hải sản. Đồng thời, tỉnh vận động ngư dân thành lập các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, thông báo bản tin ngư trường, thời tiết để bà con ngư dân chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển tàu cá khai thác đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Cục Thủy sản, nhằm khắc phục các khó khăn còn tồn tại, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tập trung tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Cùng với đó, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, nhằm chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Tham mưu quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi nghề cho ngư dân đối với những nghề ảnh hưởng tới nguồn lợi hải sản.
>> Tính đến 30/4/2023, cả nước đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017. Tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 95.703 giấy phép (vùng biển khơi 31.297 giấy phép; vùng lộng 21.555 giấy phép; vùng ven bờ 42.851 giấy phép).
Trung Thành – Xuân Lan