Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng nghiêm trọng đến thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những ngày qua, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao khiến nhiều loại thủy sản nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ nuôi. Nhiều địa phương đã đưa ra khuyến cáo giúp người nuôi thủy sản thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.

Tại Thanh Hóa

Hơn nửa tháng nay, người nuôi tôm tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa quay cuồng với nắng nóng do việc cắt điện luân phiên. Người nuôi tôm đứng trước một vụ nuôi ảm đạm. Nhiều hộ dân phải bán tôm non để cắt lỗ.

Theo người nuôi, thời tiết diễn biến bất thường, nhiệt độ môi trường tăng cao khiến nồng độ ôxy hòa tan trong nước giảm mạnh. Vì thế, tôm sẽ phát triển chậm hoặc chết dần. Mặt khác, người nông dân khó duy trì ao nuôi vì giá tôm thấp, trong khi giá vật tư đầu vào và chi phí nhân công tăng cao. Cụ thể, giá tôm cách đây chục ngày dao động từ 85.000 – 87.000 đồng/kg loại 100 con/kg, giảm gần một nửa so với trước đây. 

Xã Hoằng Yến là vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp của huyện Hoằng Hóa, nên hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy sục ôxy để bảo vệ ao tôm. Năm nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên diễn ra trên phạm vi rộng. Nhiều hộ đã phải mua sắm thêm máy phát điện để duy trì ao nuôi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vận hành trại tôm bằng máy phát điện tăng gấp đôi so với thời điểm bình thường.

Người nuôi cho biết, những ngày cắt điện luân phiên, toàn bộ hệ thống bể lọc nước, quạt nước, máy bơm đều được vận hành bằng máy phát điện. Trung bình 1 tiếng chạy máy phát điện tiêu tốn khoảng 7 – 10 lít dầu. Nếu mất điện cả ngày, cả đêm, máy phát điện chạy liên tục không ngừng nghỉ. Chi phí mua dầu tăng gấp đôi so với việc dùng điện những ngày bình thường. Với những mô hình nuôi tôm công nghiệp, nếu thiếu điện tôm sẽ chết. Tôm không chết ngay lập tức nếu thiếu ôxy, nhưng sẽ chết dần vì cơ thể yếu đi và chán ăn dẫn đến nhiễm bệnh. Bởi vậy, nếu không dự phòng máy phát điện thì nông dân sẽ thiệt hại nặng hơn.

Ảnh minh họa. Ảnh: ST

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc cảnh báo nắng nóng và giải pháp khắc phục trong nuôi trồng thủy sản năm 2023, trong đó có việc nuôi tôm nước lợ. Cụ thể: 

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2 và kiểm soát mật độ vi khuẩn Vibrio; duy trì mực nước trong ao từ 1,2 – 1,5 m để giữ ổn định nhiệt độ, pH, độ mặn và độ kiềm trong ao. 

Đối với các ao có màu nước vàng đậm hoặc xanh đậm, thể hiện sự tích tụ các chất dinh dưỡng dư thừa tăng lên, tảo phát triển mạnh hơn thì tăng cường quạt khí về đêm và sáng sớm nhằm đảm bảo ôxy hòa tan trong ao, đáp ứng nhu cầu của tôm nuôi và các phản ứng hóa học xảy ra trong ao. 

Thường xuyên kiểm tra thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, tránh dư thừa. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan trộn vào thức ăn cho tôm ăn. 

Dự trữ nước sạch trong ao lắng để cung cấp hoặc thay thế một phần ao nuôi khi cần thiết. Hạn chế đánh bắt và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng…

Tại Hà Tĩnh

Thời điểm này, Hà Tĩnh đang trong thời điểm nắng nóng, ảnh hưởng lớn đến các đối tượng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm nuôi. Trước tình trạng đó, nhiều hộ nuôi đã sử dụng kinh nghiệm của mình để chống nóng cho tôm.

Đối với ao nuôi là ao bạt, người nuôi sử dụng lưới lam chống nắng căng phủ phía trên để hạn chế bức xạ mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, hạn chế tảo phát triển và tránh gây sốc cho tôm. Còn với ao đất, cần cung cấp đủ nước, đảm bảo độ sâu và tăng cường quạt nước sục khí làm mát để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, cũng như cung cấp dưỡng khí cho tôm nuôi.

Khi nhiệt độ tăng cao kéo dài và kèm theo các trận mưa dông bất chợt, tảo phát triển nhiều và tàn nhanh nên tôm hay bị dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Vì vậy, về mùa này để hạn chế sự phát triển của tảo, cần thay nước vào buổi tối và sử dụng chế phẩm sinh học để duy trì các yếu tố môi trường nước trong khoảng thích hợp. Trường hợp khi tảo phát triển quá dày, cần tăng cường chạy quạt nước nhiều hơn, sử dụng vôi CaCO3 và CaO đánh xuống ao vào thời điểm 21 – 22 giờ, kết hợp thay nước và dùng chế phẩm EM số lượng nhiều hơn. Nếu là tảo thuần thì khi sử dụng biện pháp này 2 ngày liêu tục, tảo sẻ mượt, sáng bóng hơn. Còn nếu là tảo lam hoặc tảo giáp thì khi sử dụng liên tục 4 – 5 ngày thì tảo sẽ hết.

Ngoài ra, có hộ nuôi ưu tiên sử dụng các loại thức ăn có độ bụi ít, tan chậm trong nước và có hệ số chuyển đổi thấp; bổ sung men tiêu hóa, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Tại Quảng Nam

Nắng nóng với nền nhiệt độ lên đến 40oC kéo dài từ tháng 5 đến nay, môi trường nước biến động là nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Với hình thức phủ bạt che nắng, tôm còn chết do sốc nhiệt độ cao. Mặc dù, người nuôi đã chạy quạt nước và thay nước liên tục nhưng tôm cũng chết. Nắng nóng đến 40oC khiến cho tôm suy miễn dịch, sức đề kháng giảm rồi kiệt quệ và chết.

Không chỉ với tôm nuôi, nhiều lồng bè nuôi cá bị chết. Nắng nóng kéo dài lại thêm mưa dông vào chiều tối khiến phân tầng nhiệt độ nước, biến động lớn về nhiệt độ, độ PH, kiềm. Không thể xoay xở để giúp cá nuôi thích nghi biến động nên cá chết hàng loạt.

Nắng nóng đang là vấn đề nan giải, nhất là đối với các hộ nuôi cá trong lồng bè ở các vùng sông hẹp. Nhiệt độ cao thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ mùn bã không có lợi cho sinh trưởng của các loại cá nuôi. Nắng nóng cũng làm thay đổi các yếu tố thủy lý, thủy hóa nằm ngoài ngưỡng thích hợp với cá nuôi.

Từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi xảy ra gây thiệt hại về kinh tế lớn cho người nuôi, nhất là bệnh do vi rút làm tôm chết rất nhanh. Diện tích tôm bị bệnh là 142,8 ha. Trong đó, bệnh do đốm trắng 20,8 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 2 ha, bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường 98 ha.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT Quảng Nam, khuyến cáo các hộ nuôi tôm tích cực ứng phó thời tiết bằng các giải pháp cụ thể. Người nuôi tôm ở các vùng trên cát cần sử dụng lưới lan che trên bề mặt ao để hạn chế ánh nắng trực tiếp.

Nông hộ nuôi tôm cần duy trì mực nước hợp lý trong ao để hạn chế phân tầng nhiệt độ, ôxy hòa tan trong ao; tăng cường quạt nước nhằm tăng dưỡng khí cho tôm nuôi.

Đặc biệt, nông hộ cần bố trí ao chứa nước, chủ động tích trữ nước sạch bổ sung vào ao nuôi khi cần thiết. Người nuôi tôm cần xiphong đáy ao để loại bỏ chất thải, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Khi tôm nuôi bị chết không được xả thải ra môi trường, đồng thời thông báo cho các cơ quan thú y, thuỷ sản có biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan dịch bệnh.

Tại Bình Định

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, từ tháng 3 đến tháng 8/2023, nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh này phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 0,5oC, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 – 10%, có nơi cao hơn.

Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết, Chi cục Thủy sản Bình Định cũng đã ban hành văn bản đề nghị ngành chức năng các địa phương có nuôi trồng thủy sản phổ biến, hướng dẫn người nuôi thực hiện các hướng dẫn kỹ thuật để ứng phó với thời tiết nắng nóng.

Đối với nuôi tôm nước lợ, do đầu năm 2023 lạnh kéo dài, năm nay lại nhuận 2 tháng 2 Âm lịch nên người nuôi thả giống vụ 1 chậm hơn mọi năm. Vì vậy, nếu như những năm trước đây đến thời điểm này tôm nuôi vụ 1 đã thu hoạch cơ bản hoàn tất thì năm nay mới chỉ bắt đầu vào vụ thu hoạch. Trong thời tiết nắng nóng gay gắt, người nuôi tôm cần nâng mực nước trong ao lên trên 1,2 m để giảm biến động. Mực nước trong ao nuôi được nâng cao thì biến động môi trường nước được giảm thấp. Tăng cường quạt nước để ổn định nhiệt độ trong ao, tránh hiện tượng nước bị phân tầng nhiệt độ, đồng thời thường xuyên kiểm tra hàm lượng ôxy luôn ở mức cao. Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi cần bổ sung trực tiếp Vitamin C hoặc vitamin tổng hợp vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm. 

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nguồn nước nuôi như tảo, vi sinh, độ pH, độ mặn, nhiệt độ, amoniac… để có biện pháp xử lý kịp thời; tăng cường sục khí trong ao để đảm bảo hàm lượng ôxy được cung cấp đầy đủ, tăng cường sử dụng màn lưới lan để giảm nắng nóng. Đặc biệt là phải hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào những ngày nắng nóng để hạn chế tôm bị sốc dễ dẫn đến các bệnh trên tôm.

Vào những thời điểm nhiệt độ từ 26 – 30oC, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa. Bởi, khi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao tôm sẽ giảm ăn, do vậy, chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 50 – 80% lượng thức ăn so với bình thường để tránh dư thừa thức ăn.

Đặc biệt, khi ao nuôi có dấu hiệu bệnh, tôm dạt vào bờ hàng loạt hoặc chết đáy thì người nuôi phải báo ngay cho khuyến ngư viên cơ sở để thông báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy trình, có giải pháp kịp thời nhằm giảm thiệt hại cho hộ nuôi và ổn định môi trường xung quanh.

Đối với những diện tích nuôi tôm nước lợ theo phương thức quảng canh cải tiến, khuyến cáo người nuôi gia cố bờ ao để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương ở khu vực giữa ao tạo không gian rộng cho tôm hoạt động. Đặc biệt là không canh tác độc canh tôm sú mà phải đa dạng hóa đối tượng vật nuôi có giá trị kinh tế, không cạnh tranh thức ăn, môi trường sống với tôm như: Cá dìa, cá chua, cá rô phi, cua… nhằm giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để giảm rủi ro.

An Nhiên

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!