Từ vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đầu tiên (năm 2002), đến nay đã 8 cuộc điều tra CBPG được Mỹ thực hiện với cá tra, basa fillet đông lạnh từ Việt Nam. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định áp thuế CBPG tăng 25 – 45 lần trong đợt rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8). Đây là dấu hiệu nguy hiểm đối với hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Những quy định cần biết
Bán phá giá là hiện tượng giá xuất khẩu của một sản phẩm từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của một sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường. Về bản chất, bán phá giá trong thương mại quốc tế là hành vi phân biệt giá cả: đối với cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Đây được xem là một hành động nhằm chiếm lĩnh thị trường, tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh.
Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam muốn mở rộng thị trường cần phải chủ động đối phó với các vụ kiện CBPG – Ảnh: Huy Hùng
Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau, song pháp luật các nước đều coi đây là hành vi thương mại không lành mạnh. Đa số chính phủ các nước đều cho rằng, cần phải có hành động chống lại hành vi bán phá giá, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiệp định về CBPG của WTO ra đời và có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên. Hiệp định này quy định các biện pháp CBPG chỉ được thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định và phải đáp ứng được 4 điều kiện: Thứ nhất, sản phẩm đang bán phá giá. Thứ hai, có thiệt hại vật chất do hành động bán phá giá gây ra hoặc đe dọa doanh nghiệp nội địa đang sản xuất sản phẩm tương tự sản phẩm bán phá giá, hoặc gây ra sự trì trệ đối với quá trình thành lập một ngành công nghiệp trong nước. Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa bán phá giá và thiệt hại vật chất (hoặc đe dọa gây thiệt hại vật chất) do chính hành động bán phá giá đó gây ra. Thứ tư, tác động của bán phá giá phải có tính bao trùm, ảnh hưởng tới cộng đồng rộng lớn.
Quốc gia bị thiệt hại chỉ có thể áp dụng thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường (thuế CBPG) đối với hàng nhập khẩu bị xác định là bán phá giá. Việc xác định mức thuế CBPG phải dựa trên trên biên độ phá giá của sản phẩm liên quan. Biên độ phá giá chính là sự chênh lệch về giá giữa giá xuất khẩu đang xem xét với giá thông thường của sản phẩm tại thị trường nội địa, hoặc giá xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc giá cấu thành sản phẩm.
Theo quy định của WTO, các quốc gia có quyền tự do trong việc xây dựng các thủ tục để xác định hiện tượng bán phá giá và áp dụng biện pháp CBPG đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình, miễn là không mâu thuẫn với các hiệp định và quy định của WTO. Tình trạng này là nguyên nhân chủ yếu để nhiều nước áp dụng luật CBPG như là công cụ thực hiện chính sách bảo hộ thái quá thị trường nội địa.
Nguy cơ từ thị trường Mỹ
Vận dụng linh hoạt các quy định về kiện CBPG của WTO, Mỹ đã không bỏ qua tất cả các cơ hội để điều tra CBPG và trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam, nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm 1994 – 2010, có 36 vụ kiện tranh chấp bán phá giá liên quan Việt Nam. Trong đó, vụ kiện CBPG cá tra, basa của Mỹ đối với Việt Nam tháng 6/2002 được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và mức độ tác động.
>> Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp Việt Nam cần có cái nhìn nghiêm túc hơn đối với các vụ kiện CBPG – vốn đang ngày càng gia tăng khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới; từ đó xác định rõ những khó khăn, đồng thời chủ động đối phó vụ kiện từ các thị trường xuất khẩu. |
Tháng 6/2002, Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đệ đơn lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) và DOC, kiện một số doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, basa vào thị trường Mỹ, đồng thời đề xuất mức thuế chống phá giá của CFA là 144% nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường hoặc 190% nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường. Sau 39 ngày từ khi CFA nộp đơn kiện, các doanh nghiệp Việt Nam bị ITC kết luận: Việc Việt Nam xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Mỹ đã đe dọa gây thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất của Mỹ. Sau hơn 7 tháng điều tra, qua rất nhiều khâu (thu thập bảng hỏi điều tra, xác định nền kinh tế Việt Nam là thị trường hay phi thị trường, xác định quốc gia tham chiếu thứ ba, thu thập chứng cứ liên quan…), cuối tháng 1/2003, DOC cũng công bố kết quả điều tra sơ bộ là, các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá cá tra, basa tại Mỹ; đồng thời áp dụng 3 mức thuế trừng phạt dao động trong khoảng 38 – 64%. Đến tháng 7/2003, kết luận điều tra cuối cùng của cả ITC và DOC đều khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá và ấn định mức bán phá giá 36,84 – 63,88%.
Từ năm 2002 đến nay, qua 6 lần xem xét hành chính hằng năm, cùng với nhiều nỗ lực đấu tranh của VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam, mức thuế CBPG này đã dần giảm về 0 đối với phần lớn các doanh nghiệp bị đơn Việt Nam.
Tuy nhiên, niềm vui được hưởng thuế suất bằng 0 của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được bao lâu, thì ngày 14/3/2013, DOC thông báo quyết định cuối cùng của đợt POR8 đối với cá tra fillet đông lạnh Việt Nam, giai đoạn 1/8/2010 – 31/7/2011. Theo đó, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của doanh nghiệp Việt Nam tăng cao đột ngột so với kỳ POR7, trái ngược mức thuế sơ bộ rất thấp hoặc bằng 0 được công bố ngày 12/9/2012.
Quyết định này của DOC khiến các doanh nghiệp Việt Nam không khỏi sững sờ, lo lắng. Các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, sẽ khởi kiện và kiện đến cùng để giành lại công bằng cho cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, “được vạ thì má đã sưng” là điều khó tránh khỏi, bởi để vụ kiện đi đến hồi kết, và dù thành công hay thất bại thì doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải tốn không ít thời gian, tiền bạc. Điều này đã được chứng minh trong vụ kiện CBPG cho cá tra lần đầu tiên.
Vì sao bị kiện?
Cá tra là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, hiện được xuất khẩu sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường Mỹ đóng vai trò rất quan trọng. Theo VASEP, năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,74 tỷ USD (tương đương năm 2011); trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Khi sản phẩm cá tra, basa Việt Nam tăng tốc vào Mỹ với giá hợp lý hơn, đã ảnh hưởng trực tiếp sản phẩm cá da trơn nuôi tại nước này. Thực tế, diện tích nuôi cá da trơn ở Mỹ chỉ trong năm 2012 đã giảm 1/2, từ khoảng 67.000 ha xuống còn hơn 33.000 ha. Những năm trước đây, người nuôi cá da trơn của Mỹ đã nhiều lần tìm cách ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ; trong đó có cả việc ép các cơ quan chức năng Mỹ phải tạo hàng rào kỹ thuật, coi cá tra, basa Việt Nam không phải cá da trơn. Gần đây nhất, các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu DOC lựa chọn một nước khác là Indonesia hoặc Philippines làm căn cứ tính giá và thuế, thay thế Bangladesh cho vụ kiện CBPG cá tra, cá basa vào Mỹ trong POR8. Đây thực chất là cách làm không minh bạch, nhằm tìm cớ ngăn cản sự thâm nhập của cá tra Việt Nam vào Mỹ, bảo hộ sản phẩm cá da trơn nội địa đang dần mất ưu thế tại Mỹ.
Trong quá trình điều tra CBPG đối với cá tra Việt Nam, Mỹ thường chọn nước thứ ba thay thế làm cơ sở so sánh các yếu tố chi phí đầu vào. Việc chọn nước thay thế nào có quan hệ rất lớn đến việc xem xét cá tra Việt Nam có bán phá giá hay không. Ở lần POR8 này, Mỹ đột ngột thay đổi từ Bangladesh sang chọn Indonesia (có nền công nghiệp sản xuất, chế biến cá tra khác xa Việt Nam) làm nước thứ ba thay thế, khiến cá tra Việt Nam bị coi là đã bán phá giá và phải chấp nhận mức thuế “trừng phạt” tăng 25 – 45 lần so với lần POR7, là điều hết sức vô lý. Tuy nhiên, để làm rõ được vấn đề, Việt Nam phải chấp nhận đứng đơn kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế. Thời gian theo đuổi vụ kiện chắc chắn lại kéo dài và đó là thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, nếu không muốn mất thị trường quan trọng này.
Không tránh được thì đương đầu
Khủng hoảng kinh tế tạo cơ hội cho các sản phẩm giá thấp như thủy sản, dệt may, da giày, gạo… mở rộng thị trường; đồng thời cũng làm tăng xu hướng bảo hộ của các nước phát triển, trong đó có CBPG. Trên thực tế, Việt Nam chưa phải mục tiêu chính trong các vụ kiện bán phá giá lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với năng lực xuất khẩu ngày càng tăng và lợi thế cạnh tranh chủ yếu về giá, đồng nghĩa việc Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều đối với các vụ kiện bán phá giá. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu thì không có cách nào khác là phải chủ động phòng tránh và đối phó, thông qua tìm hiểu bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp khi có tình huống kiện tụng xảy ra.
Doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu – Ảnh: Trần Huy
Bài học đầu tiên nhìn từ vụ kiện CBPG đối với cá tra Việt Nam là, khi ưu thế cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa giảm sút, thị phần của họ bị suy giảm, họ có thể sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản hàng nhập khẩu. CBPG chỉ là một trong các biện pháp mà người sản xuất nội địa có thể sử dụng. Do đó, các nhà sản xuất nội địa Mỹ có nhiều cơ hội ngăn cản hàng ngoại nhập. Doanh nghiệp Việt Nam vì thế phải có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, nhằm phân tán rủi ro, bảo đảm hoạt động sản xuất, “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Không nên tập trung xuất khẩu một vài mặt hàng với khối lượng lớn vào một nước, vì đây có thể là cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá.
Bên cạnh đó, để đối phó các vụ kiện CBPG thì sự minh bạch trong các tài liệu ghi chép, sổ sách kế toán là điều cần được đặc biệt chú ý. Qua hai vụ kiện tôm và cá tra, chúng ta rút ra kinh nghiệm về chứng từ, số liệu kế toán của nhiều doanh nghiệp chưa rõ ràng, minh bạch, làm cho cơ quan điều tra không chấp nhận những chi phí đó, dẫn đến khó khăn và bất lợi trong việc điều tra biên độ phá giá của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) từng chỉ ra nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ta thua kiện CBPG là do doanh nghiệp che giấu thông tin, tài liệu kế toán, lưu trữ số liệu không cụ thể rõ ràng. “Để chủ động đối phó các vụ kiện, trước hết doanh nghiệp cần kiểm tra tài liệu kế toán, số liệu lưu trữ rõ ràng, chính xác. Những thông tin về giá bán, số lượng bán, ngày tháng xuất bán, chi phí tàu biển, điều chỉnh giá là phần phải có số liệu rõ ràng nhất. Thông tin về các chi phí trong sản xuất, chi phí khác phải tách bạch…” – ông Khiên khuyến nghị.
>> Bài học đầu tiên nhìn từ vụ kiện CBPG đối với cá tra Việt Nam là, khi ưu thế cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa giảm sút, thị phần của họ bị suy giảm, họ có thể sử dụng mọi biện pháp có thể để ngăn cản hàng nhập khẩu. CBPG chỉ là một trong các biện pháp mà người sản xuất nội địa có thể sử dụng. |