Được nuôi với diện tích lớn từ năm 2010 (1.030 ha), đến năm 2012 (22.000 ha) mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) đã trở thành hình thức nuôi chính, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau.
Nhiều ưu điểm
Năm 2012, toàn tỉnh Cà Mau có trên 266.735 ha nuôi tôm; trong đó, nuôi tôm QCCT khoảng 22.000 ha, năng suất trung bình 650 kg/ha (2011), cao hon so với các hình thức nuôi tôm khác (tôm – lúa, tôm – rừng: 350 – 400 kg/ha); và đạt hơn 14.000 tấn năm 2012. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, Cà Mau có thế mạnh nuôi tôm bằng nhiều hình thức, nuôi tôm QCCT đã được đầu tư và là một trong những hình thức nuôi tôm chính của địa phương.
Theo ông Ngô Thanh Lĩnh Sở NN&PTNT Cà Mau: Từ năm 2010 đến nay, diện tích và năng suất nuôi tôm QCCT liên tục tăng. Nuôi tôm QCCT hiện đang được tỉnh triển khai tại 8 huyện và TP Cà Mau, đặc biệt tại huyện Đầm Dơi (19.000 năm 2013), Trần Văn Thời…
Nuôi tôm quảng canh cải tiến góp phần phát triển hiệu quả và bền vững ngành tôm – Ảnh: Trần Út
Nuôi tôm QCCT có nhiều ưu điểm; trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng ít tốn kém hơn so với nuôi tôm công nghiệp. Việc đầu tư chỉ gắn với công tác thủy lợi, quá trình chăm sóc đơn giản, không cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Chất lượng tôm giống không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, không nghiêm ngặt như sử dụng cho nuôi tôm công nghiệp, ít rủi ro và xảy ra dịch bệnh, ít gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đây được xem là mô hình sản xuất thân thiện môi trường, an toàn sinh học.
Một hộ nuôi tôm tại huyện Trần Văn Thời cho biết, đầu tư 1 ha đất nuôi tôm QCCT mất khoảng 30 – 40 triệu đồng, so với hình thức nuôi công nghiệp chi phí thấp hơn nhiều, lại đảm bảo được môi trường, phòng ngừa được dịch bệnh, giảm rủi ro. Theo kinh nghiệm những người đã thành công với mô hình này, để tránh tình trạng tôm chết trong quá trình nuôi, trong những ngày đầu khi mua tôm giống về thả nuôi, cần chia đều thời gian và cho ăn mỗi ngày 6 lần, để đảm bảo dinh dưỡng cho tôm. Sau đó giảm dần số lần cho ăn đến mức bình thường, mỗi ngày 2 lần. Khi tôm nuôi được khoảng 2 tháng tuổi cho đến lúc thu hoạch, cho ăn mỗi ngày 4 lần để thúc tôm mau lớn. Trong quá trình nuôi, cần chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học bồi bổ gan và đường ruột của tôm.
Hướng tới bền vững
Năm 2013, Cà Mau chủ trương đưa tổng diện tích nuôi tôm QCCT lên 38.000 ha và đến năm 2015 là 55.000 ha. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả cho người nuôi, việc tuyên truyền đẩy mạnh tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi phải được thực hiện rộng rãi. Phải thay đổi được thói quen nuôi theo phương pháp cũ, trông chờ thiên nhiên, khai thác cạn kiệt tài nguyên đất, làm suy thoái môi trường. Các hộ nuôi phải tăng cường áp dụng biện pháp kỹ thuật, kết hợp với quản lý chất lượng con giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Châu Công Bằng cũng nhấn mạnh, khó khăn với người nuôi tôm QCCT là tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi liên tiếp xảy ra, đến nay chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Môi trường nước phục vụ nuôi tôm ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm do người dân và các cơ sở sản xuất còn thiếu ý thức, việc xả nước thải trực tiếp ra sông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Vì vậy, cần sự tham gia, quản lý của cộng đồng trong phòng ngừa dịch bệnh. Qua đó nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưới sự quản lý của các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội sản xuất… Ngoài ra, các đơn vị cần quan tâm chỉ đạo chuyển đổi sản xuất, xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp cụ thể; phân công trách nhiệm cho từng đơn vị chuyên môn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch các đơn vị, cá nhân được giao.
>> Ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Thành công của mô hình sẽ góp phần đảm bảo ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững. |