Trong 2 kịch bản xuất khẩu những tháng cuối năm, VASEP đã hạ mục tiêu xuất khẩu xuống thấp hơn nhiều so với năm 2022. Cụ thể, ở kịch bản 5 tháng cuối năm xuất khẩu thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 – 16% so năm 2022. Trong đó, cá tra giảm 28% đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD; cá ngừ, mực và bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 – 15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD… Ở kịch bản kém lạc quan, xuất khẩu có thể chỉ mang về 8,5 – 8,7 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của EC tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ “thẻ vàng”.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, các doanh nghiệp thủy sản cần giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi. Từ nay đến cuối năm, đặc biệt quan tâm tới thị trường Trung Quốc, bởi thị trường này phục hồi tương đối nhanh.
Về hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục xử lý các vấn đề về thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đặc biệt sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU…; tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết các đơn hàng mới. Tuy nhiên, các ngành hàng cũng cần bảo đảm các yêu cầu cần thiết cho xuất khẩu, như ngành thủy sản cần tập trung kiểm soát hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU; ngành lâm nghiệp triển khai tín chỉ carbon rừng khu vực Bắc Trung bộ và thúc đẩy chứng chỉ quản lý rừng bền vững; ngành trồng trọt ổn định sản lượng lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nắm bắt thời cơ xuất khẩu.
Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, về dài hạn, Bộ ưu tiên chỉ đạo triển khai hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025”; “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030”…