(TSVN) – Hỏi: Những tiêu chí khi lựa chọn cua nuôi vỗ?
(Phan Văn Quyết, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình)
Trả lời:
Trong nuôi vỗ và sinh sản cua biển, cần chọn cua cái, kích cỡ 300 – 500 g, có chiều rộng mai 9 – 10 cm, khỏe, không thương tích, đặc biệt là cua có gạch để cua nhanh thành thục và đẻ trứng. Cua gạch có vỏ cứng, mai và càng bóng, có yếm tròn, sậm màu, mai vun cao, khoảng hở giữa mai và yếm rộng trên 3 mm. Trong nuôi vỗ sinh sản cua biển, có thể nuôi chung cua đực với cua cái để cua bắt cặp sau khi cua cái lột vỏ, đảm bảo trứng được thụ tinh sau khi đẻ. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất, không cần nuôi cua đực, vì cua cái có gạch hầu hết đã được bắt cặp với con đực ngoài tự nhiên và đã có mang túi tinh để sẵn sàng thụ tinh cho trứng khi cua đẻ.
Hỏi: Kỹ thuật chăm sóc cua mang trứng?
(Trần Ngọc Hải, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Trong chăm sóc cho ăn, mặc dù đến nay đã có một số công trình nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của cua bố mẹ và sử dụng thức ăn viên cho cua với kết quả có triển vọng. Anderson và ctv (2004) cho rằng, cua xanh (Scylla serrata) tăng trưởng tốt khi ăn thức ăn nhân tạo có 32 – 40% đạm, 6 – 12% lipid, năng lượng 14,7 – 17,6 MJ/kg. Millamena và Quinitio (1999) cho rằng, cua mẹ (Scylla serrata) nuôi bằng thức ăn nhân tạo 46% đạm kết hợp với thức ăn tươi sống cho kết quả tốt nhất về sinh sản, tiếp đến là thức ăn nhân tạo đơn thuần và kém nhất là thức ăn tươi sống. Các loại thức ăn kết hợp (tươi sống và thức ăn nhân tạo) có hàm lượng đạm 43-58% và Lipid 7 – 18% đã được nhiều tác giả nghiên cứu và cho kết quả tốt về chất lượng ấu trùng (Azra và Ikhwanuddin, 2016). Trước khi nuôi vỗ, nên tắm cua mẹ bằng formol 150 – 200 mg/L trong 30 – 60 phút để phòng ngừa một số bệnh động vật nguyên sinh và các loại ký sinh. Mật độ nuôi vỗ cua mẹ có thể là 2 – 5 con/m2 bể đối với bể lớn, hay 1 con/bể đối với bể 50 – 100 L. Bể nuôi có đáy cát, giúp cua thường vùi mình trong cát, đẻ trứng và trứng dính hoàn chỉnh vào chân bụng của cua, hạn chế trường hợp trứng bị rơi trên đáy bể. Định kỳ hàng tuần phải thay cát mới để phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện, trong thực tế sản xuất, hầu hết các trại chỉ sử dụng thức ăn tươi sống cho cua. Các loại thức ăn phổ biến là động vật thân mềm như sò huyết, hàu, mực, cá… (Quinitio, 2002; Shelley và Lovatelli, 2011, Azra và Ikhwanuddin, 2016; Tran Ngoc Hai và ctv, 2017; Ghazali và ctv, 2017). Lượng thức ăn tùy thuộc vào khả năng bắt mồi của cua mẹ, thường cho ăn 1 – 2 con sò huyết/cua mẹ mỗi lần cho ăn (2 – 8% khối lượng cua mỗi ngày). Thức ăn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến màu sắc của trứng. Các nghiên cứu cho thấy, khi chỉ sử dụng mực cho cua ăn thì khối trứng sẽ có màu trắng, nhưng cho cua ăn nhiều loại mực, tôm và sò, trứng có màu cam bình thường. Trong thời gian nuôi vỗ, do cho cua ăn bằng thức ăn tươi sống, nên môi trường nước dễ bị ô nhiễm. Vì thế không nên cho ăn dư thừa và cần kiểm tra loại bỏ sớm thức ăn dư.
Ban KHKT