(TSVN) – Doanh số cua tuyết trên thị trường Mỹ tăng mạnh trong năm nay khi giá bán lẻ trung bình giảm 35% so đầu năm và chương trình khuyến mãi tăng hơn 40% so với 6 năm qua.
Mùa cua tuyết ở Canada đã kết thúc với kết quả khả quan như kỳ vọng. Nhập khẩu cua tuyết của Mỹ từ Canada cũng tăng vọt 43% tính đến tháng 7/2023. Riêng lượng cua nhập khẩu trong tháng 7 của Mỹ vượt tổng khối lượng của cả năm 2022. Doanh số xuất khẩu cua tuyết từ Mỹ sang Trung Quốc và Nhật Bản cũng tốt hơn mức dự kiến.
Với hạn ngạch khai thác cua huỳnh đế đỏ biển Barent năm 2023 là 12.690 tấn, dự kiến lượng cua Nga tràn sang thị trường châu Á sẽ tăng vọt trong thời gian tới. Ảnh: Hakai Magazine
Tính đến tháng 7/2023, nhập khẩu cua huỳnh đế đỏ từ Na Uy tăng 65% so cùng kỳ. Trong đó có 30% là cua đông lạnh. Mùa cua huỳnh đế vàng Alakska niên vụ 2023/24 đang diễn ra cùng với vụ khai thác cua huỳnh đế đỏ Norton Sound. Lượng cua huỳnh đế tồn kho của Nga đang vơi dần theo từng tháng và chưa có sản phẩm mới để bổ sung. Do đó, các công ty có nhu cầu nhập khẩu cua huỳnh đế phục vụ ngày lễ cuối năm đang tích cực phải đàm phán từ sớm với nhà cung cấp để “giữ chỗ”. Một số nhà cung cấp đề xuất cua tuyết Alaska Bairdi (Tanner) thay thế cua huỳnh đế.
Nga đã xuất khẩu 2,3 triệu tấn thủy sản vào năm ngoái với giá trị 6,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm tỷ trọng 50% tổng xuất khẩu thủy sản Nga. Trung Quốc cũng dẫn đầu về tiêu thụ cua sống của Nga, tăng 73% từ năm 2022 lên 13.919 tấn. Đồng thời lượng cua đông lạnh của Nga vào thị trường này cũng tăng từ 736 tấn đến hết tháng 6/2022 lên 5.407 tấn trong cùng kỳ năm 2023.
Lượng cua Nga vào thị trường Hàn Quốc năm 2023 gồm 57% sản phẩm sống và 43% đông lạnh. Trong tháng 7/2023, Nga xuất khẩu sang Hàn Quốc 5.301 tấn cua tuyết đông lạnh và 687 tấn cua huỳnh đế đông lạnh. Cũng trong tháng này, cua tuyết và cua huỳnh đế của Nga xuất khẩu sang Nhật Bản lần lượt tăng 80% và 58%. Được biết, giá cua Nga tại cả hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc đều rẻ hơn nhiều so với các năm trước.
Mùa cua huỳnh đế đỏ 2023 ở Viễn Đông, Nga bắt đầu từ ngày 1/9/2023. Cua sống sau khai thác chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và Hàn Quốc, thay thị trường Mỹ trước đây. Với hạn ngạch khai thác cua huỳnh đế đỏ biển Barent năm 2023 là 12.690 tấn, dự kiến lượng cua Nga tràn sang thị trường châu Á sẽ tăng vọt trong thời gian tới.
Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ cua lớn nhất của Na Uy với giá trị xuất khẩu trong tháng 8/2023 tăng vọt 24% lên 1,5 tỷ NOK, chiếm 10,4% tổng xuất khẩu thủy sản. Trong đó xuất khẩu cua huỳnh đế đỏ tháng 8/2023 đạt 392 tấn, tương ứng 177 triệu NOK, tăng 73% giá trị và 101% khối lượng so năm ngoái.
Ngoài Mỹ, xuất khẩu cua huynh đế sống của Na Uy sang châu Á cũng tăng mạnh, đặc biệt ở Hồng Kông và Trung Quốc do mùa cua huỳnh đế đỏ Nga chỉ bắt đầu vào tháng 9. Do đó, cua biển Na Uy thắng lớn trong tháng 8 ở Hồng Kông, Mỹ và Hàn Quốc.
Trong khi đó, xuất khẩu cua tuyết chỉ đạt 33 tấn trong tháng 8/2023, tương ứng 3 triệu NOK, giảm 50% giá trị so năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số cua tuyết của Na Uy đã tăng mạnh từ đầu năm cùng với đợt cao điểm vào tháng 4. Hạn ngạch khai thác cua tuyết của Na Uy cũng hoàn thành trong tháng 4/2023.
Na Uy hiện đang là nhà cung cấp cua huỳnh đế đỏ duy nhất cho Mỹ. Hội đồng thủy sản Na Uy cho biết, nếu phụ thuộc vào Na Uy, Mỹ có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cua huỳnh đế đỏ trong thời gian tới.
Tuấn Minh
Theo Urner Barry