(TSVN) – Ngành nuôi biển của Đài Loan đang áp dụng công nghệ bền vững để mở rộng sản xuất, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm cá nhụ bốn râu, sản phẩm “xương sống” được chú trọng hàng đầu.
Ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Đài Loan phát triển năng động với hơn 50 đối tượng nuôi, nổi bật nhất gồm cá rô phi, cá măng, hàu, cá vược châu Á, cá mú, tôm và cá nhụ bốn râu. Người dân Đài Loan chuộng hải sản và tiêu thụ bình quân 35kg/năm (USDA, 2021), cao hơn nhiều so với mức 20,2 kg của toàn cầu (FAO, 2022).
Năm 2021, cá rô phi, cá măng, cá mú, cá vược châu Á và cá nhụ bốn râu trở thành 5 đối tượng nuôi chủ lực của Đài Loan, chiếm 90% tổng sản lượng (275.000 tấn). Hiện, ngành NTTS đáp ứng 60% nguồn cung cho thị trường với tổng diện tích trại nuôi 43.000 ha. Dự kiến con số này còn tăng cùng với nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm hải sản chất lượng cao.
Cá nhụ bốn râu là đối tượng nuôi phổ biến nhất Pingtung, Đài Loan. Ảnh: ST
Hiện, cá nhụ bốn râu là một trong những đối tượng nuôi phổ biến và kinh tế nhất Đài Loan, theo giáo sư Lin Han Jia, Đại học Đại dương Đài Loan, kiêm chủ tịch Công ty GiantBiotech. Tại Diễn đàn Công nghệ nuôi biển lần 3 (TIFSS) tổ chức vào tháng 9/2022, ông nói rằng để ngành nuôi biển phát triển tốt, cần thắt chặt hợp tác giữa các trại nuôi với các viện nghiên cứu để cùng tìm ra cách khắc phục những vấn đề kỹ thuật nuôi và cách để ngành nuôi biển Đài Loan giữ vị thế dẫn đầu cùng mục tiêu bền vững và lợi nhuận. Theo thống kê, sản lượng cá nhụ bốn râu của Đài Loan đạt 13.000 tấn, trị giá 3 tỷ Đài Tệ (97,8 triệu USD) vào năm ngoái.
Ông Chen Chien Yu, Viện thủy sản, Hội đồng nông nghiệp Đài Loan (FA), phần lớn hộ NTTS ở Đài Loan theo quy mô doanh nghiệp gia đình nhỏ lẻ. Trong đó, độ tuổi trung bình của lao động trong ngành là 57,3. Do đó, FA đang khuyến khích thế hệ trẻ tham gia sản xuất thủy sản cùng gia đình bởi thế hệ lớn tuổi khó bắt kịp bước tiến công nghệ.
Đài Loan nuôi hai giống cá nhụ bốn râu, gồm Eleutheronema tetradactylum, nguồn gốc Singapore và Philippines. Loài cá này chủ yếu nuôi ở Pingtung, tỉnh ven biển miền Nam Đài Loan, chiếm 90% tổng sản lượng. Pingtung có nhiệt độ trung bình lý tưởng (25 – 30°C ) nên cá phát triển nhanh ở giai đoạn đầu. Cá thương phẩm chỉ 150 g, tuy nhiên, các trại nuôi thường kéo dài chu kỳ sản xuất 6 – 8 tháng để cá đạt cỡ 250 – 300g. Loài thứ hai là giống cá nhụ cận nhiệt đới Eleutheronema rhadinum, thường được khai thác ở các nhánh sông.
Tại Pingtung, cá nhụ thường được nuôi trong ao xi măng với mật độ dày đặc 100.000 – 170.000 con/ha. Cá cần nhiều ô xy hòa tan nên các trại nuôi cũng phải trang bị quạt nước bánh xe. Giống cá này dễ bị tổn thương trước các xáo trộn môi trường sống. Do đó, mô hình nuôi mật độ cao tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong các trại nuôi cá nhụ mật độ cao, những nguy cơ dịch bệnh như vây đỏ và tổn thương vật lý xảy ra khá thường xuyên. Rủi ro tăng lên khi nông dân sử dụng thuốc kháng sinh khiến chính quyền yêu cầu bắt buộc kiểm tra dư lượng thuốc sau thu hoạch. Dư lượng kháng sinh trong cá nhụ cao hơn các đối tượng nuôi khác, đặt ra nhu cầu cấp bách về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cá nhụ nuôi mật độ dày đặc dễ bị bênh đỏ vây. Ảnh: Hsieh Chia Yu
Đài Loan xuất khẩu ¾ sản lượng cá nhụ bốn râu, phần còn lại phục vụ thị trường nội địa. Lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, chủ yếu là Trung Quốc, khiến cá nhụ bốn râu có thể gặp sự cố tương tự như cá mú. Chen thông tin, tháng 6/2022, Trung Quốc cấm nhập khẩu cá mú Đài Loan do phát hiện chất cấm. Điều này khiến cơ quan quản lý ngành thủy sản như FA lo ngại cá nhụ bốn râu lặp lại vết xe đổ của cá mú.
Thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cá nhụ bốn râu. Năm 2020 – 2021, doanh số cá nhụ tại nội địa tăng cao do người tiêu dùng nấu ăn tại nhà suốt đợt COVID-19. Trong hai năm này, Đài Loan thực hiện nhiều chiến dịch kích cầu tiêu thụ nội địa qua một số sáng kiến tuyên truyền về lợi ích dinh dưỡng, sức khỏe và an toàn của cá nhụ. Chen cho biết, cá nhụ thương phẩm trên thị trường nội địa đạt cỡ 226 – 320g/con. Trước đây, Đài Loan cũng xuất khẩu cá nhụ sang Singapore và nhiều nước Đông Nam Á, nhưng những thị trường này yêu cầu cá 1,2 kg nên thời gian nuôi phải kéo dài 2 năm.
Các đối thủ cạnh tranh của cá nhụ Đài Loan gồm Trung Quốc, Malaysia có lợi thế về công nghệ nuôi, chi phí đầu vào thấp hơn và lao động giá rẻ. Do đó, Chen nói rằng, Đài Loan cần phải tìm ra cách tạo sự khác biệt cho sản phẩm cá nhụ mà không đi theo chiến lược chi phí thấp giống như Trung Quốc. Ông dự báo Trung Quốc sẽ đuổi kịp ngành cá nhụ của Đài Loan trong vòng 2 – 3 năm tới. Đài Loan cần phải giữ vững thế mạnh sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận như ASC và ít sử dụng hóa chất.
Hsiang Pin Lan, thuộc Hiệp hội đậu tương Mỹ (USSCE) cho rằng chứng nhận quốc tế sẽ tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho hải sản của Đài Loan. Trong khi đó, ông Chen khuyến khích các trại nuôi sản xuất theo mô hình “đầu vào ít mà hiệu quả cao”. Ông dẫn chứng ngành cá măng sử dụng mật độ nuôi tối ưu để giảm rủi ro và đạt mục tiêu vận hành bền vững mà không ảnh hưởng giá bán hoặc sử dụng probiotic thay thế hóa chất.
Đài Loan cũng có lợi thế về chuỗi lạnh với các sản phẩm đảm bảo được vận chuyển đển nhà máy chế biến đạt chuẩn HACCP và ISO22000 trong vòng 30 phút. Từ năm 2010 – 2013, Đài Loan đã thực hiện nhiều dự án liên quan đến chuỗi lạnh ở nhiều tỉnh thành, trong đó có Pingtung để đảm bảo cũng như mở rộng chế biến. Cùng đó, chính quyền cũng chỉ đạo mở rộng thị trường cá nhụ ở Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác theo nhu cầu của từng thị trường.
Tuy nhiên, các trại nuôi vẫn còn gặp khó khăn về quản lý nuôi, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sản xuất con giống và thức ăn. Về quản lý trại nuôi, FA đề xuất xây dựng quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để giám sát truy xuất nguồn gốc toàn chuỗi, gồm kiểm soát sử dụng kháng sinh, mật độ thả nuôi phù hợp.
You Ying Chen, một nông dân nuôi cá nhụ được 6 năm. Ông sáng lập cửa hàng thực phẩm Three-Fishes Grocery và là thành viên của tổ chức Hundred Young Farmers. Tại diễn đàn TIFSS, ông chia sẻ, chi phí nuôi cá hồi ở Na Uy thấp hơn nhiều so với chi phí nuôi cá nhụ bốn râu và cá mú ở Đài Loan. Do đó, công nghệ nuôi loại cá này cần phải được nâng cấp để tăng chất lượng và sản lượng. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn chưa sản xuất thức ăn dành riêng cho cá nhụ nên nông dân chủ yếu sử dụng cá biển làm thức ăn sống. Theo Chen, rủi ro về quản lý sức khỏe của và dịch bệnh sẽ tăng cùng với cỡ cá. Hiện Đài loan cũng chưa có chương trình chọn lọc di truyền cho cá nhụ. Để đạt cỡ thương phẩm trên 600g, người nuôi buộc phải giảm mật độ.
Đài Loan cũng lên kế hoạch mở rộng phân khúc thị trường cá nhụ, ví dụ thăn cá dành cho những sản phẩm cỡ lớn. Hiện cá nhụ cỡ lớn nhất ở Đài Loan khoảng 600 g, nuôi trong vòng 1,5 năm. Chi phí nuôi cá cỡ lớn cũng cao hơn và mật độ thấp hơn, nhưng các vụ nuôi như vậy cho thu hoạch chỉ 2.400 – 3.000 kg cá trên tổng diện tích 3000 m² và không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, Chen vẫn băn khoăn liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn hay không mặc dù sức mua tương đối tốt. Tuy nhiên, nếu trên thị trường chỉ bán các loại cá 300 – 600 g, nông dân sẽ có kế hoạch tổ chức vụ nuôi tốt hơn.
Chen và những thế hệ nông dân trẻ cũng ý thức được 17 mục tiêu phát triển bền vững của UN, đặc biệt là trách nhiệm xã hội và bền vững đại dương đối với toàn ngành nuôi biển. Do đó, Chen thực hành mô hình nuôi cá nhụ bán thâm canh, giúp tạo ra môi trường sống tốt hơn và tăng cỡ cá. Hiện, ông đang thử nghiệm probiotic và thảo dược Trung Quốc Fish Balance để duy trì sức khỏe cho cá trong suốt 3 tháng đầu chu kỳ nuôi.
Nhóm chuyên gia từ Đại học Chaiyi, dẫn đầu là giáo sư Hong Thih Lai đang nghiên cứu các mô ình nuôi bền vững cho các loài cá biển. Nhóm chuyên gia tập trung tháo gỡ nút thắt chi phí thức ăn và năng lượng. Đài Loan sẽ sử dụng pin mặt trời để giảm chi phí năng lượng và hướng tới năng lượng tái tạo. Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm nhiều protein thay thế từ đạm thực vật đến bột côn tùng để giảm tỷ lệ bột cá trong thức ăn.
Tuấn Minh
Theo InternationalFishFarming