(TSVN) – Thời gian qua, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã và đang quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng trong sản xuất giống những đối tượng nuôi biển; nhằm bảo tồn, lưu giữ nhiều nguồn gen thủy sản, góp phần phục vụ cho việc phát triển bền vững nghề nuôi.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng đàn bố mẹ, con giống theo hướng chọn giống tăng trưởng nhanh, có sức kháng bệnh như: Nghiên cứu, ứng dụng chỉ thị phân tử và các phương pháp khác để lựa chọn nguồn vật liệu phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng trên cua xanh (Scylla paramamosain); Nghiên cứu sử dụng các hoạt chất sinh học bổ sung vào thức ăn nuôi phát dục tôm sú, tôm thẻ chân trắng; nhằm nâng cao chất lượng đàn tôm bố mẹ; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng chỉ thị phân tử để chọn tạo tôm thẻ chân trắng bố mẹ tăng trưởng nhanh; Nghiên cứu tạo vật liệu ban đầu phục vụ chọn giống tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) kháng bệnh đốm trắng (WSSV); Ứng dụng di truyền phân tử, di truyền số lượng phục vụ chọn giống nâng cao sinh trưởng cá chẽm (Lates calcarifer).
Dự án Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula (Linnaeus,1758) được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện tại Khánh Hòa. Ảnh: Viện NC NTTS III
Nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo các đối tượng nuôi hải sản có giá trị kinh tế. Đến nay, Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống ghẹ xanh, cua xanh, tôm mũ ni trắng, giun nhiều tơ, sá sùng, cá mặt quỷ, cua hoàng đế, hải sâm cát, hải sâm vú trắng, cá mú lai, cá mú nghệ, cá mú dẹt, cá chẽm, cá giò, sò huyết, bào ngư, ốc hương, hàu, tu hài, điệp seo, trai tai tượng và rong biển. Các công nghệ đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Hàng năm cung cấp hàng chục triệu con giống để làm bố mẹ phục vụ sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm.
Hiện nay, quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông
(Panulirus ornatus) đang được thực hiện. Kết quả của đề tài đã ương nuôi ấu trùng tôm hùm bông từ giai đoạn I đến giai đoạn X cho thấy, triển vọng lớn trong việc sản xuất thành công giống tôm hùm bông trong điều kiện nhân tạo. Các đối tượng quý hiếm, giá trị kinh tế cao khác đã và đang lưu giữ ở Viện như: Cá mú sao, cá mó đầu khum, hải sâm lựu, hải sâm đen, hải sâm gai, cá mú tổ ong, cũng đang được nghiên cứu công nghệ sản xuất giống.
Giống điệp seo trên tấm vật bám. Ảnh: Viện NC NTTS III
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 – 2022, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III hỗ trợ chuyển giao ứng dụng kết quả của một số kết quả nghiên cứu đề tài về sản xuất giống thủy sản cho các địa phương và doanh nghiệp như:
– Quy trình sản xuất giống giun nhiều tơ đảm bảo an toàn sinh học được xây dựng từ dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm giun nhiều tơ Perinereis nuntia var. brevicirris (Grube, 1857) quy mô hàng hóa làm thức ăn nuôi vỗ tôm bố mẹ”. Các chỉ tiêu kỹ thuật của quy trình: Tỷ lệ sống đến con giống (≥1,5 cm) ≥20%; năng suất ≥15.000 con/m2; >80 vạn giun giống/đợt sản xuất. Dự án được hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ cho 2 công ty, doanh nghiệp tại Khánh Hòa và Ninh Thuận để mở rộng phát triển sản xuất nhằm cung cấp ra thị trường số lượng lớn giun nhiều tơ phục vụ khâu nuôi vỗ tôm bố mẹ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú) trong quy trình sản xuất các loại tôm này.
– Quy trình sản xuất giống cá mú trân châu được xây dựng từ đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống cá mú lai giữa cá mú cọp cái và cá mú nghệ đực (♀ Epinephelus fuscoguttatus x ♂ E. lanceolatus) tại Khánh Hòa”, đã được chuyển giao cho 5 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong năm 2022, Viện đã phối hợp với doanh nghiệp để chuyển giao quy trình thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Quy trình sản xuất giống tôm đất thuộc đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi vỗ thành thục và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis) – tỉnh Trà Vinh” cho 2 đơn vị tại tỉnh Trà Vinh, với số lượng giống sản xuất là hơn 2 triệu PL20 và tập huấn cho 25 người dân về quy trình sản xuất giống.
Hải Lý