Mặt trời còn khuất sau những ngôi nhà cao tầng, ngư dân xóm câu tổ 5, KP5, phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã lần lượt rời bến. Riêng ngư dân Tư Thanh vẫn ngồi chễm chệ trên xuồng máy nhấm nháp cà phê, ngước mắt nhìn các “bóng hồng” tản bộ trên cầu Bửu Hòa.
Mơ nàng tiên cá
Thấy người lạ đến gần, anh Tư Thanh mới chịu rời mắt khỏi cầu Bửu Hòa và cộc lốc cất tiếng: “Tìm ai?”. Chúng tôi giả lả bắt chuyện làm quen, anh Tư Thanh mới nhoẻn miệng cười thân thiện và nói: “Tui mới vừa thả xong 2 tay câu, mỗi tay câu dài 1.500m đó. Hôm nay, tui thấy mệt trong người nên thả câu gần cho tiện. Vừa thả xong ngồi nhâm nhi ly cà phê và thả hồn ngắm người đẹp trên cầu thì bị mấy anh phá đám đó”
Ngư dân chuẩn bị mồi câu trước khi rời bến.
29 tuổi, anh Tư Thanh vẫn đơn chiếc một mình cùng chiếc xuồng câu trị giá 6 triệu đồng để làm bạn cùng sông nước. Bị tật ở chân, anh Tư Thanh vẫn là tay “sát cá” của bến sông này. Mơ màng nhìn về phía cầu Bửu Hòa, anh Tư Thanh tỉ tê với chúng tôi rằng, một ngày đẹp trời nào đó, anh sẽ câu được một con cá vàng và cá vàng sẽ ban cho anh điều mà con tim anh đang khao khát. “Từ ngày có cầu Bửu Hòa, tui thường ngồi đây ngắm người đẹp qua cầu mỗi sáng và lòng luôn cầu mong lọt vào mắt xanh người đẹp nào đó” – anh Tư Thanh khát khao hạnh phúc tỏ bày.
Nghe anh Tư Thanh nói, cô bạn đồng nghiệp đi cùng đáo để trêu: “Sao anh không mơ bắt được cá vàng và giải thoát cho nó với điều kiện phải ban cho anh điều ước giàu sang. Giàu sang rồi thì thiếu gì người đẹp tìm đến tình nguyện nâng khăn, sửa túi cho mình”. “Nói vậy thôi, chứ sông nước giờ đây toàn “ma da” không à, làm gì còn cá vàng mà bắt” – anh Tư Thành nửa đùa nửa thật trả lời.
Sợ buôn chuyện dài dòng làm ngư dân Tư Thanh mất đi giấc mộng đẹp lúc sáng sớm, chúng tôi chuyển sang thuyền ngư dân Chín Lan hỏi chuyện. Ngư dân Chín Lan cho biết, Tư Thanh quả thực là tay câu cừ khôi. Anh ta thông thuộc tất cả các mánh lới của người câu giăng và các bãi đá ngầm dưới lòng sông Đồng Nai, trải dài từ Bửu Hòa đến miệt Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), quận 9 (TP.Hồ Chí Minh), mà ngay cả các tay câu như ông mò mẫm mãi vẫn chưa nắm bắt hết. “10 tuổi, tui đã biết theo cha đi thả câu. Vì vậy, tui biết mặt, tính nết của từng bạn câu ở cái xóm nhỏ này” – ông Chín Lan nói.
Ông Chín Lan là thế hệ thứ ba của cái xóm câu này. Trước kia, xóm rất nghèo, nhà ở lụp xụp, thuyền ghe cũ kỹ, nên thu nhập từ việc thả câu chỉ giúp họ sống lay lắt qua ngày. Qua thời gian, con em xóm câu dần lớn lên, chúng được đi học, đi làm công nhân và một số thợ câu trẻ lên bờ làm thợ hồ, thợ máy, gốm sứ…, nên cuộc sống của xóm mới phát triển, mọi người mới có nhà xây để ở. “Cái nghề này, mùa làm ăn chỉ rơi vào các con nước tháng 1-6 và tháng 8-9. Những tháng còn lại, phần lớn ngư dân phải lên bờ tìm việc làm để chờ con nước vào vụ cá sắp tới” – ngư dân Chín Lan bày tỏ.
Mưu sinh
Theo lời ngư dân Chín Lan, bến câu tổ 5, KP5, phường Bửu Hòa được hình thành trước năm 1975. Trước kia, bến rất sầm uất, số thuyền hành nghề thả câu, chài lưới neo đậu tại đây có hàng trăm chiếc. “Nay bến chỉ còn chừng 40 chiếc xuồng và chừng ấy người bám trụ” – ông Chín Lan nói.
Khệ nệ mang thau mồi câu xuống bến, ngư dân Tám già lịch sự bảo chúng tôi né sang một bên, để nhường lối cho ông xuống cầu tàu. “Cá tôm ngày càng nhát mồi nên làm ăn bữa đực, bữa cái. Tuy vậy, người thả câu ớn nhất là bị các tay cào điện phá bĩnh, cào móc gần khu vực ngư dân thả câu” – ông Tám thở than với chúng tôi.
Thành quả của những chuyến thả câu.
Rồi ông đặt thau mồi câu vào lòng, vừa móc vào các lưỡi câu, vừa tỉ tê chuyện nghề. Tháng 3-4 là mùa câu cá bống cát. Cá bống cát là loài ăn tạp, nên dùng trùn chỉ, tép câu rất nhạy. Tháng 5-6 là mùa cá lăng, tôm càng xanh. Tháng 8-9 là mùa câu cá phèn, cá ngát…, những loại này phải dùng tép tươi để dụ. Tháng 11-12 là mùa “đói”, vì nước sông đục, cá không nhìn thấy mồi câu. “Nghề câu ngày một khó làm ăn. Bù lại, cá tôm câu được hiện bán được giá cao hơn rất nhiều so với trước. Chính vì vậy, tụi tui chịu khó thả câu xa, ngày thả 2 đợt, mỗi đợt 3 ngàn mét dây câu cũng kiếm được trên 300 ngàn đồng” – ông Tám nói.
Trong lúc chuyện trò với các ngư dân, chúng tôi chợt giật mình khi nghe tiếng một phụ nữ nào đó chửi chồng trên bờ. Lấy làm lạ, chúng tôi hỏi ngư dân Chín Lan và được ông cho biết, đó là chuyện thường ngày ở xóm câu này. Cũng tại mấy ông chồng trẻ ham nhậu nhẹt, hát karaoke, đánh bài… hơn chuyện thức đêm thả câu kiếm cá về nuôi vợ con. “Để có được vài trăm ngàn đồng sau mỗi chuyến câu xa, tụi tui phải thức khuya, dậy sớm giong thuyền khắp các nhánh sông, bãi đá tìm nơi thả câu; đồng thời còn chịu khó đi bắt trùn, tép để làm mồi và chi tiêu cần kiệm cho mỗi chuyến đi, thì may ra mới có dư” – ngư dân Chín Lan tâm sự.
Từ chiếc xuồng câu bên cạnh, ngư dân Ba Tiến thấy chúng tôi bám lấy hai người bạn câu của ông tỉ tê, đâm tò mò và tiến lại bắt chuyện. Ngư dân Ba Tiến chọc bạn: “Sao mấy ông không kể chuyện câu được cá lăng, cá ngát gần chục ký; tôm càng xanh thì to bằng bắp tay và chuyện tụi mình đánh nhau với mấy tay ghe cào khi tụi nó giành giật địa bàn làm ăn… cho nhà báo biết để giúp đỡ”. Dứt lời, ngư dân Ba Tiến chỉ vào cánh tay vẫn còn một vết sẹo dài cho biết, đó là vết tích khi ông đánh nhau với đám ghe cào.
“Chuyện cũ qua rồi, bỏ đi anh Ba. Tụi mình cũng vì miếng cơm manh áo như họ thôi, trách nhau làm gì. Ai có tội thì bị pháp luật xử, sông nước trừng phạt, riêng tụi mình cứ việc sống chân chính. Tại cá tôm ham mồi mới bị mình bắt, chứ tụi mình đâu có dùng điện, thuốc tàn sát đâu mà sợ” – ngư dân Tám già giãi bày với bạn câu và cũng để chúng tôi hiểu rõ nỗi lòng của người câu giăng, khi mà cá tôm bị con người tìm mọi mánh khóe, thủ thuật tàn sát.
Nghe bạn nói vậy, ông Ba Tiến gật gù đồng tình. Rồi ông chỉ tay về phía cầu Bửu Hòa nói với chúng tôi: “Mấy chục năm qua ẩn mình nơi khúc sông này, nhờ có cầu Bửu Hòa, người ta biết đến xóm câu nhiều hơn. Thỉnh thoảng, có người tìm đường vào xóm để mua cá tươi về ăn nữa. Vì vậy, tụi tui bàn nhau phải rộng cá khi câu được để bán cho khách vãng lai được giá hơn là bán cho các chủ vựa như trước”.
>> Là thế hệ thứ ba bám bến câu tổ 5, KP5, phường Bửu Hòa mưu sinh, ngư dân Bảy Kiên đã vài lần bán thuyền lên bờ làm công nhân. “Cuối cùng, tui cũng quay lại nghề giăng câu vì nhớ sông nước. Nghề này kinh tế không khá hơn so với làm xưởng, nhưng với tui, nó đã ngấm vào máu và trở thành nghiệp, khó mà dứt ra được” – anh Bảy Kiên tâm sự. |