(TSVN) – Nửa đầu năm 2023, giá bán tôm xuống thấp kỷ lục trong khi nhu cầu ảm đạm nên mọi kỳ vọng chỉ trông chờ vào cuối năm. Tuy nhiên, diễn biến cuối năm phụ thuộc vào sức mua của 4 trụ cột gồm Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản.
Nửa đầu năm 2023, Mỹ chỉ nhập khẩu 362.692 tấn tôm, giảm 18% so cùng kỳ năm ngoái. Điểm tích cực là lượng nhập khẩu tôm của Mỹ ổn định từ quý I đến quý II và lần đầu tiên kể từ quý IV/2021, không giảm đáng kể so với các quý trước đó. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ sở khẳng định khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ tăng vào nửa cuối năm, bởi thị trường tôm Mỹ đã lệch “quỹ đạo” vốn có kể từ khi tình trạng dư cung xuất hiện vào cuối năm 2022.
Từ năm 2020, tôm Ấn Độ và Việt Nam vẫn nắm bắt cơ hội và duy trì chỗ đứng tại châu Âu. Ảnh: AK
Tín hiệu tích cực xuất hiện vào tháng 7/2023 khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố dữ liệu nhập khẩu tôm Mỹ lần đầu tiên tăng nhẹ 2,7% sau hơn một năm. Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động nhập khẩu tôm của Mỹ có thể sớm đảo chiều dù muộn hơn những năm trước. Trong tháng này, lượng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ tăng 12,8%, Indonesia tăng 15,1%; trong khi nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Ecuador vẫn giảm lần lượt 9,7%; 7,2% và 6,4%.
Trong hai năm 2021 đến 2022, lượng tôm thịt và tôm vỏ nhập khẩu vào Mỹ đều giảm. Xu hướng này tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 khi khối lượng nhập khẩu hai sản phẩm này giảm thêm 9% và 20% so cùng kỳ 2022. Trái lại, nhập khẩu tôm giá trị gia tăng, chủ yếu là tôm thịt chín và tôm tẩm bột từ năm 2021 đến 2022 lại tăng kỷ lục 142.958 tấn và 70.948 tấn. Nhưng sang nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm giá trị gia tăng giảm 30% mỗi loại.
Sau khi gỡ bỏ các hạn chế COVID-19, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt kỷ lục 500.000 tấn vào nửa cuối năm 2022. Tới nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của Trung Quốc không còn bùng nổ như cuối năm 2022 nhưng vẫn trên 500.000 tấn. Người dân Trung Quốc đang thiếu niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế, do đó, họ tìm cách tiết kiệm tiền bạc. Với điều kiện kinh tế và thị trường hiện tại của Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nửa cuối năm 2023 khó tăng trở lại so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo chính thức, lượng nhập khẩu tôm tháng 7 của Trung Quốc chỉ thấp hơn không đáng kể so cùng kỳ. Đây cũng là “chiếc phao” củng cố niềm tin cho các hãng xuất khẩu tôm vào Trung Quốc trong nửa cuối năm nay.
Trung Quốc đã chi 2,8 tỷ USD cho mặt hàng tôm trong năm nay, tăng 30% so nửa đầu năm 2022. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ 5 – 5,5 USD/kg vào thời điểm COVID-19 lên mức 6,5 – 7 USD/kg vào giữa năm 2022. Nhưng tới năm 2023, giá tôm giảm rất nhanh do cung vượt cầu và chưa rõ liệu đã chạm đáy hay chưa. Trong những năm gần đây, Ecuador vẫn duy trì “ngôi vương” tại Trung Quốc. Năm ngoái, lượng tôm Ecuador sang Trung Quốc đạt gần 600.000 tấn và có thể tăng lên 900.000 tấn vào năm 2023. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, Argentina nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu rất chậm. Tuy nhiên, năm nay Argentina có thể lấy lại phong độ và trở thành nguồn cung tôm lớn thứ ba cho Trung Quốc.
Sức mua của EU chững lại nhưng lượng nhập khẩu chỉ giảm 7% so cùng kỳ trong quý đầu tiên. Trong tháng 4/2023, EU giảm mạnh hơn tới 22% nhập khẩu tôm nhưng xu hướng này đã dừng lại vào tháng 5. Do đó, nhập khẩu tôm trong quý II chỉ giảm 11% so cùng kỳ. Nửa đầu năm 2023, EU nhập khẩu 141.107 tấn tôm sú, giảm 9% so cùng kỳ 2022. Trong quý đầu năm 2023, giá tôm trung bình bắt đầu ổn định nhưng chưa thấy tín hiệu tích cực trong tương lai gần.
Bên cạnh tôm nguyên liệu đông lạnh, châu Âu cũng tăng nhập khẩu tôm giá trị gia tăng như tôm thịt chín và tôm tẩm bột. Khoảng 1/3 số tôm này xuất xứ châu Á, còn lại là tôm nước lạnh từ Canada, Mỹ và Na Uy. Việt Nam
là nguồn cung tôm châu Á lớn nhất cho thị trường châu Âu với thị phần 60%, tiếp theo là Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Nhập khẩu tôm sú giai đoạn 2020 – 2023 tăng 45% và chỉ giảm 9% trong nửa đầu năm 2023. Sức mua tôm giá trị gia tăng của EU đạt tốc độ tăng trưởng vừa phải trong những năm gần đây (20% từ năm 2020 đến 2022) và giảm 13% trong nửa đầu năm nay.
Những năm gần đây, EU có xu hướng tăng nhập khẩu tôm Mỹ Latinh và giảm tôm châu Á. Dù vậy, từ năm 2020, tôm Ấn Độ và Việt Nam vẫn nắm bắt cơ hội và duy trì chỗ đứng tại châu Âu. Trong khi đó, Venezuela cũng tăng cường xuất khẩu tôm sang EU và chiếm vị trí thứ 3 tại thị trường này.
Nhật Bản nhập khẩu 83.579 tấn tôm trong nửa đầu năm 2023, giảm 9% so cùng kỳ. Lượng nhập khẩu trong quý I và quý II giảm lần lượt 7% và 10% so cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, xu hướng nhập khẩu tôm của Nhật Bản tương tự những năm trước và không có nhiều đột phá. Lượng nhập khẩu tôm cuối năm của Nhật Bản sẽ khó đạt mức kỳ vọng 60.000 tấn vào quý III và quý IV. Giá trị nhập khẩu tôm nửa đầu năm đạt 823 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ 2022. Giá tôm ở thị trường Nhật Bản biến động hơn so các thị trường khác và cũng theo đà giảm chung trên toàn cầu từ đầu năm 2022. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh từ Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và một lượng nhỏ từ Thái Lan và Argentina. Điều thú vị, Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường tôm giá trị gia tăng tại Nhật Bản.
Nhìn chung, thị phần giữa các nhà cung cấp tôm cho Nhật Bản tương đối ổn định. Đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ liên doanh lâu dài của Nhật Bản với các đối tác thương mại. Một số nhà máy thân thiết, Nhật Bản cử giám đốc quản lý chất lượng người Nhật tới tận nơi để đảm bảo các thông số sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn. Vì những lý do này, người Nhật ngại chuyển đổi nhà cung cấp.
Tuấn Minh
(Theo Globalseafood/Shrimpinsight)