Dù bị nghiêm cấm nhưng hiện nay, trên nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Trị vẫn tồn tại nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện.
Tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hủy diệt môi sinh, tận diệt nguồn lợi thủy sản trên các sông ngòi, kênh rạch và đồng ruộng. Làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả nạn đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt này đang là một vấn đề cấp bách, rất cần được sự phối hợp vào cuộc một cách tích cực, có trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhất là ở cơ sở…
Qua khảo sát trên một số tuyến sông ngòi, kênh rạch ở huyện Hải Lăng, chúng tôi nhận thấy nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện vẫn diễn ra hàng ngày. Trên sông Vĩnh Định đoạn chảy qua các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Quy… chúng tôi chứng kiến tình trạng người dân dùng ghe loại nhỏ, mang theo bộ kích điện bằng bình ắc quy để đánh cá vẫn diễn ra phổ biến. Theo tìm hiểu được biết, hiện để mua sắm một bộ dụng cụ đánh bắt cá bằng xung điện là khá dễ dàng. Chỉ cần bỏ ra khoản tiền khoảng 1,7- 2 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện tại bất cứ hiệu sửa chữa điện tử nào, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bộ kích điện để hành nghề.
Hiện tượng khai thác thủy sản bằng xung điện vẫn chưa được ngăn chặn triệt để
Anh T., một người hành nghề đánh bắt cá lâu năm trên sông Vĩnh Định đoạn qua xã Hải Vĩnh cho biết, thiết bị điện dùng để bắt cá, lươn rất đa dạng, nhiều chủng loại, trong đó phổ biến nhất là loại kích điện. Với kích điện thì có nhiều loại, bán kính hoạt động trên mặt nước phổ biến từ 8-10m, độ sâu trên 1,5m nước. Và tùy vào mục đích sử dụng mà có thể dùng bình ắc quy 24V để kích nâng dòng điện lên 220V và có khả năng sát thương cao hơn.
“Tôi làm nghề đánh bắt cá khoảng 20 năm nay. Hồi đầu cũng chỉ đánh bắt cá thủ công như dùng lưới kéo, lưới thả, nơm… nhưng cách đây chừng chục năm thì phong trào đánh bắt cá bằng xung điện bắt đầu rộ lên. Cách đánh cá này vừa khỏe mà lại thu được lợi nhuận cao gấp mấy lần so với bắt thủ công nên tôi quyết định mua bộ đánh cá bằng xung điện để làm ăn. Dù biết đánh bắt kiểu này là nguy hiểm, là “ăn non, ăn xổi” nhưng thấy ai cũng làm nên mình cũng làm, với lại cá tôm ngày càng ít đi nên không đánh bắt kiểu này là đói liền”, anh T. cho biết.
Không chỉ tại sông Vĩnh Định, các sông khác như sông Nhùng, sông Ô Lâu, Thác Ma và các kênh rạch trên vùng trũng huyện Hải Lăng hiện có rất nhiều người hành nghề đánh cá theo kiểu tận diệt này. “Mùa này mới gặt lúa xong, cá tôm trong đồng ruộng tràn ra sông nhiều nên chúng tôi tranh thủ đi rà cá để kiếm thu nhập. Thú thật là người hành nghề đánh cá bằng xung điện ngày càng nhiều nên hiện nay cá tôm ngày càng ít đi”, một người đánh cá bằng xung điện mà chúng tôi gặp trên sông Vĩnh Định đoạn qua xã Hải Dương thừa nhận.
Qua một buổi sáng đi theo cùng những người đánh cá bằng xung điện trên sông Vĩnh Định, chúng tôi được chứng kiến cách thức làm việc của họ. Họ dùng ghe loại nhỏ, thường đi hai người, một người đứng trước mũi ghe kích điện, người sau cầm vợt vớt cá kiêm việc chèo ghe. Cứ mỗi lần họ gí đầu điện xuống nước là nhiều loại cá sống bề mặt như cá rô phi, rô đồng, cá chép và các loài cá nhỏ nổi trắng bụng lên mặt nước. Người ngồi sau cứ thế vớt số cá to, cá bé thì để mặc nổi chết dưới sông.
“Chúng tôi dùng bộ kích điện chưa đủ mạnh nên chỉ bắt được cá trắng, còn các loại cá đen như lươn, cá lóc, chạch, cá trê thì rất khó. Muốn bắt được cá đen phải dùng nguồn điện mạnh hơn rất nhiều. Sắp tới tôi sẽ đầu tư mua bình ắc quy mạnh hơn để làm ăn chứ loại bình nhỏ này chưa ăn thua”, một người đánh cá bằng xung điện chúng tôi gặp cho biết.
Không riêng Hải Lăng mà hiện nay, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện vẫn diễn ra hàng ngày trên nhiều địa phương của tỉnh, đặc biệt là nơi có nhiều sông ngòi, kênh rạch. Cá biệt, qua tìm hiểu, cán bộ ở một số địa phương cho hay, đã có tình trạng người dùng xung điện đánh bắt trộm thủy sản tại các khu ao nuôi, gây bất bình và hoang mang cho người nuôi nhưng rất khó ngăn chặn.
Mặc dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện vẫn không chấm dứt. Việc quản lý vấn đề này còn quá lỏng lẻo. Nguyên nhân là do một phần lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở quá mỏng và chưa có sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt của chính quyền ở một số địa phương, mặt khác cũng chưa có một chế tài đủ mạnh để xử phạt, nghiêm cấm.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh.
Hiện chưa có con số thống kê cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hết được số người trên địa bàn tỉnh sử dụng các phương tiện đánh bắt, khai thác thủy sản không đúng quy định. Số người tham gia đánh bắt thuỷ sản bằng xung điện nhiều nhưng ngành chức năng cũng như các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở cơ sở phát hiện và xử lý còn ở mức độ hạn chế.
Theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11/10/2008 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì đối với hành vi sử dụng kích điện không giao thẩm quyền xử phạt hành chính cho chính quyền cơ sở mà chỉ dừng ở biện pháp tịch thu phương tiện hành nghề nên không đủ sức răn đe và việc quản lý cũng trở nên khó khăn. Nhận thức của người dân chỉ chú trọng về khai thác, còn việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản chưa cao.
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, cần thiết phải xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự phối hợp tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các địa phương; trong đó phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời phải có hình thức xử phạt mang tính quyết liệt, răn đe hơn đối với hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện.