Tăng cường kiểm soát an toàn thủy sản nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước thực trạng lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo nhiều chỉ tiêu liên quan đến nuôi trồng thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ quan quản lý và địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt các chế phẩm, cũng như hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi.

Lô hàng vi phạm tăng mạnh

Theo số liệu của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, 8 tháng đầu năm 2023, có 10 lô hàng cá tra bị cảnh báo, trong đó 4 mẫu cảnh báo chỉ tiêu chất lượng, 4 mẫu cảnh báo vi sinh, 2 mẫu cảnh báo nhãn sản phẩm và sai thông tin; giảm so với cùng kỳ năm 2022. Các cảnh báo nhiều ở hai thị trường gồm Brazil và Nga.

Ngược lại, với mặt hàng tôm, số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo trong 8 tháng đầu năm 2023 lại tăng 92% so với cùng kỳ năm 2022 (8 tháng năm 2023 có 25 lô cảnh báo; 8 tháng năm 2022 có 13 lô cảnh báo). Trong số 25 lô hàng bị cảnh báo: có 20 lô bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh; 4 lô cảnh báo chỉ tiêu bệnh thủy sản; 1 lô chỉ tiêu vi sinh. Các lô hàng tôm cảnh báo nhiều ở các thị trường Nhật Bản (12 lô); EU (7 lô); Úc (4 lô); Hàn Quốc (2 lô).

9 tháng đầu năm, sản phẩm tôm thẻ chân trắng xuất khẩu bị cảnh báo nhiều chỉ tiêu. Ảnh minh họa.

Mới đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản về việc nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cơ quan chức năng EU, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Singapore cảnh báo. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, đã có 15 chỉ tiêu/mối nguy trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo: Malachite green/Leucomalachite green; AOZ; Ofloxacin; Ciprofloxacin; Doxycycline; Oxycycline; Sulphite; E300; N2O; Histamin; Chlorate; Cadimium; Salmonella; Chiếu xạ; Vibrio spp.

Các sản phẩm bị cảnh báo gồm: Cá trê; Cá diêu hồng; Cá tra đông lạnh; Tôm thẻ chân trắng đông lạnh; Cá chẽm đông lạnh; Đùi ếch; Đùi ếch đông lạnh; Tôm đông lạnh; Cá ngừ fillet đông lạnh; Cá ngừ loin đông lạnh; Cá ngừ đông lạnh; Cinnabar goatfish; Mực nang đông lạnh; Tôm nuôi.

Kiểm soát chặt chẽ từ nuôi tới chế biến

Để tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nuôi, trong đó có các chủ lực như cá tra và tôm, mới đây, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý và địa phương nhấn mạnh việc cần chú ý từng khâu sản xuất. 

Cụ thể, đối với khâu nuôi, cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi; đầu tư công nghệ nuôi hiện đại, năng suất để hoàn thiện kiểm soát chuỗi từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu; Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi, trong đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và có trách nhiệm, bền vững như: VietGAP, ASC, MSC, GlobalGAP…

Cùng đó, các địa phương rà soát, cấp mã số nhận diện ao nuôi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lưu thông, mua bán, sử dụng chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả.

Đối với chế biến, cần tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu; Rà soát các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP, đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu; Thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định thị trường (thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm). Đồng thời, chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu…

Mới đây, Bộ NN&PTNT cũng ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản phẩm thủy sản. Trong đó, Bộ NN&PTN yêu cầu cơ quan thú y tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm các hành vi buôn bán, phân phối hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; Phối hợp với Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng để điều tra, xử lý triệt để các vi phạm sản xuất, buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thú y thủy sản chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam…

Cùng đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Thủy sản chỉ đạo cơ quan địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh chất xử lý cải tạo môi trường nuôi, vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng, khai thác thủy sản.

>> Tính tới hết quý 3/2023, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ. Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của sự suy giảm này bên cạnh yếu tố sức mua của thị trường, còn có việc các quốc gia nhập khẩu lớn áp dụng yêu cầu mới về kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, tăng cường việc thanh tra tại quốc gia xuất khẩu.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!