(TSVN) – Chiều ngày 12/10 tại văn phòng Bộ NN&PTNT diễn ra cuộc họp lấy ý kiến của các Bộ ngành về Chương trình quốc gia bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại văn bản số 6931/VPCP ngày 9/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Chương trình quốc gia bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) trong đó giao cho Bộ NN&PTNT căn cứ quy chế làm việc của Chính phủ, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất những nội dung giải trình, những nội dung còn ý kiến khác nhau trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tham gia cuộc họp lấy ý kiến lần này có đại diện các Bộ, ngành liên quan.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại cuộc họp
Mở đầu cuộc họp, các đại biểu đã nghe ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư báo cáo những nội dung giải trình, những nội dung có ý kiến khác nhau của các Bộ, ngành liên quan đến Chương trình. Trong số này có 5 vấn đề chính đang tiếp tục thảo luận thêm bao gồm:
Phần thông tin liên quan đến nhóm biện pháp (hợp tác quốc tế) nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nội dung gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU) được thực hiện tại Đề án chống khai thác IUU (Quyết định 1077/QĐ-TTg ngày 14/9/2022). Do vậy, không đưa nội dung này vào dự thảo Chương trình để tránh trùng lặp.
Nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ quản lý và dự báo ngư trường đã được đưa vào Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022) nên không đề xuất dự án ưu tiên. Nội dung nâng cấp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản đã được đưa vào Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản (Quyết định 643/QĐ-TTg ngày 5/6/2023) nên Dự án ưu tiên về xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần sẽ không đưa vào Dự thảo Chương trình, để ưu tiên thực hiện tại Đề án nâng cao năng lực.
Nội dung Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Về khung pháp lý, đến thời điểm hiện nay, căn cứ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quy định tại Luật Thủy sản và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; Bộ NN&PTNT ban hành tại Quyết định số 2781/QĐ-BNN-KN ngày 11/7/2023 về hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được Bộ (trong đó hướng dẫn các bước thực hiện và tiêu chí xác định khu vực thực hiện đồng quản lý). Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng các chính sách để hỗ trợ các tổ đồng quản lý đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67/2014/NĐ-CP)
Sau khi nghe báo cáo từ Cục Kiểm ngư, đại diện Bộ Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư bổ sung thêm một số ý kiến như: Cần giao nhiệm vụ cho các địa phương bố trí phần vốn của mình để thực hiện những đề án ưu tiên. Đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để tránh bị trùng lặp. Tiếp tục bổ sung ý kiến báo cáo lại văn bản bổ cập nhật thêm. Đối với từng nhiệm vụ cần dự toán chi tiết, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận và ngân sách cụ thể. Muốn thực hiện đề án cũng cần cân đối ưu tiên cho từng lĩnh vực, có cơ sở pháp lý để lập dự toán thì lúc đó các đơn vị phối hợp làm việc mới thực sự hiệu quả.
Qua theo dõi ý kiến đóng góp từ đại diện các Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay đó là cần phải giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng và nuôi biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nếu không bảo vệ nguồn lợi tốt thì không bao giờ phát triển thủy sản được. Và nhiệm vụ bảo tồn mà không triển khai được thì không thể đảm bảo kế hoạch phát triển bền vững. Do đó, theo Thứ trưởng nguồn kinh phí cho các chương trình cần phân loại rõ, đầu tư hay thường xuyên, hay sự nghiệp. Ngoài ra, các Dự án cần có danh mục cụ thể như điều tra nghề cá thương phẩm, quan trắc đa dạng sinh học, nghiên cứu đề xuất, thí điểm tổ chức và thu thập quản lý bảo tồn biển, đề xuất thí điểm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực, khu vực ven biển nội địa, nghiên cứu sinh sản nhân tạo ươm nuôi, thực hiện đồng quản lý sao cho hiệu quả…Và quan trọng hơn cả là nguồn nhân lực thực hiện cần nghĩ thật, nói thật và làm thật.
Kết thúc cuộc họp ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, sau đó tập trung nghiên cứu, chỉnh sửa chi tiết hơn dự thảo này trên tinh thần 6 nhóm vấn đề mà đại diện các Bộ đề xuất cũng như nội dung mà Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vừa kết luận. Sau đó Bộ NN&PTNT sẽ chỉnh lý dự thảo và hoàn thiện Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Hồ sơ trình sẽ đính kèm biên bản cuộc họp với các Bộ và Văn phòng Chính phủ về thống nhất nội dung tiếp thu, giải trình đối với dự thảo Chương trình quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chương trình quốc gia.
Thùy Khánh
(Bài và ảnh)