(TSVN) – Mycoprotein, một phụ phẩm lâm nghiệp Na Uy với tác dụng thúc đẩy miễn dịch và tăng trưởng của cá hồi được kỳ vọng trở thành protein thay thế bền vững cho đậu tương.
Mới đây, các chuyên gia từ Đại học Khoa học đời sống Na Uy (NMBU) đã thử nghiệm sản phẩm dinh dưỡng Pekilo® Aqua có chứa thành phần mycoprotein trên cá hồi non. Pekilo® Aqua là sản phẩm của công ty khởi nghiệp Enifer, Phần Lan.
Trại nuôi cá hồi trên đảo Orkney, Scotland. Ảnh: Cooke Aquaculture
Kết quả thử nghiệm của NMBU cho thấy, cá hồi non được nuôi trong môi trường nước ngọt và cho ăn bổ sung mycoprotein đạt tăng trưởng tốt với hệ miễn dịch khỏe mạnh. Nhóm nghiên cứu đã thay thế 20% protein thô trong thức ăn bằng mycoprotein Pekilo® Aqua và nhận thấy tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) cùng hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng của cá hồi đã được cải thiện đáng kể. Khi sử dụng Pekilo® Aqua ở tỷ lệ thấp (5%), phản ứng miễn dịch tế bào T, phản ứng miễn dịch bẩm sinh và hoạt tính kháng khuẩn đều được tăng cường. Ở tỷ lệ bổ sung cao hơn (10 – 20%), Pekilo® Aqua kích hoạt tế bào hỗ trợ T1 và phản ứng đặc hiệu với β-glucan. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng định lượng kháng thể đặc hiệu trong nhóm cá hồi này cao hơn để bảo vệ chúng trước vi khuẩn gây bệnh Vibrio anguillarum.
Sản phẩm Pekilo protein ở các dạng khác nhau. Ảnh: Enifer
Joosu Kuivanen, Giám đốc Enifer cho biết, Pekilo Aqua mycoprotein không chỉ bổ sung protein cho cá hồi, mà còn cải thiện sức khỏe và tăng trưởng của cá không thua kém các loại protein truyền thống như đậu nành. Joosu Kuivanen giải thích thêm, mycoprotein là một nguồn protein hoàn chỉnh có nguồn gốc từ vi nấm – phụ phẩm của ngành lâm nghiệp Na Uy. Do đó, quá trình sản xuất Pekilo Aqua bền vững, cạnh tranh và thân thiện môi trường. Nhà sản xuất Enifer công bố chỉ tiêu kỹ thuật của Pekilo Aqua gồm 65% protein, 15% β -glucan, 10% chất béo và khoáng chất. Ngoài ra, sản phẩm này còn chứa một lượng lớn vitamin B. Nếu sử dụng Pekilo Aqua, người nuôi cá không cần bổ sung β -glucan.
Theo Joosu Kuivanen, đậu nành là nguồn protein phổ biến nhất trong thức ăn thủy sản hiện nay nhưng lại không bền vững bởi hoạt động canh tác loại cây này có nguy cơ làm gia tăng nạn phá rừng. Người nuôi cá hồi ở Scotland và Na Uy không sử dụng đậu nành trồng trên đất phá rừng. Nhưng nếu nhập khẩu đậu nành từ Brazil thì lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng cũng tăng thêm. Phần lớn lượng khí thải trong nuôi trồng thủy sản đến từ thức ăn, mặc dù nuôi cá phát thải thấp hơn so với các hình thức chăn nuôi khác. Trong khi đó, Pekilo Aqua mycoprotein có lượng khí thải carbon thấp hơn so với đậu tương nhập khẩu vì quá trình sản xuất sử dụng rất ít nước và không cần đất nông nghiệp. Do đó, sản phẩm này có khả năng trở thành nguồn protein thức ăn thay thế bền vững tại châu Âu.
Dũng Nguyên
(Theo Fishfarming)