(TSVN) – Ngày 31/10/2023, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 861/QĐ-BNV cho phép đổi tên Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Thủy sản Việt Nam và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Thủy sản Việt Nam; có hiệu lực từ ngày Quyết định này được ký ban hành.
Việc đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam và Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Thủy sản Việt Nam đã được Đại hội đại biểu nhiệm kỳ V (2022 – 2027) của Hội Nghề cá Việt Nam thông qua ngày 28/12/2022 tại Thành phố Hà Nội. Việc thay đổi này nhằm thực hiện theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý Hội và để phù hợp với đặc điểm tình hình của Hội trong giai đoạn tới; đồng thời phù hợp với phạm vi các lĩnh vực hoạt động của tổ chức Hội ở Trung ương và các địa phương. Theo đó, ngày 31/10/2023, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 861/QĐ-BNV cho phép đổi tên Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Thủy sản Việt Nam và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Thủy sản Việt Nam; có hiệu lực từ ngày Quyết định này được ký ban hành.
Trong những năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam nay là Hội Thủy sản Việt Nam có đóng góp rất quan trọng trong ngành thủy sản. Ảnh: ST
Hội Nghề cá Việt Nam nay là Hội Thủy sản Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp được Bộ Nội vụ ký Quyết định thành lập 5/5/2000. Nguyên tắc hoạt động của Hội là tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Mục đích tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ và hậu cần dịch vụ nghề cá nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người làm nghề cá Việt Nam.
Hội có tiền thân thành lập từ năm 1988 theo Quyết định số 288-CT ngày 14/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đến năm 2000 trên cơ sở hợp nhất Hội Nuôi Thủy sản Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam lấy tên gọi là Hội Nghề cá Việt Nam. Hội hiện có 32 hội, hiệp hội thủy sản cấp tỉnh, thành phố và 6 hiệp hội chuyên ngành thủy sản (Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng) tham gia là thành viên với hàng trăm nghìn hội viên cá nhân.
Hội có trên 80 đơn vị hội viên tập thể là các doanh nghiệp, viện, trường, đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, cảng cá. Trực thuộc Hội có 6 Ban chuyên môn, Văn phòng Hội ở Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và TP Nha Trang, 5 Trung tâm dịch vụ kỹ thuật về thủy sản và Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Tổ chức Hội luôn tích cực hoàn thành nhiệm vụ và khẳng định được vai trò đối với hội viên, nông ngư dân, doanh nghiệp và nghề cá cả nước như: bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông, ngư dân; góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, Hội đã đề xuất nhiều giải pháp đối với những khó khăn trong sản xuất và đời sống của nông, ngư dân, chủ động tham gia xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến đối với các cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền lợi của nông, ngư dân như chính sách đầu tư tín dụng, hỗ trợ giá xăng dầu, mua bảo hiểm… Đồng thời, góp phần đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cả ngành thủy sản. Chủ động và có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng và phổ biến các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nuôi thủy sản bền vững như GlobalGAP, VietGAP, HACCP…
Ngoài ra, Hội còn tích cực tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp nhiều ý kiến vào các chương trình, đề án về phát triển thủy sản, các dự thảo văn bản quan trọng về luật, quyết định, nghị định và thông tư của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… như Chiến lược phát triển ngành thủy sản, các đề án về khai thác hải sản, đánh cá xa bờ, quy hoạch vùng nuôi các loài thủy sản nước ngọt, mặn, lợ…
Song song với đó, quan hệ hợp tác quốc tế của Hội ngày càng được mở rộng và có hiệu quả, là thành viên của Hiệp hội Nghề cá Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo CIFPEN, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Hồng Hà