(TSVN) – Chi phí thức ăn chiếm đến 50 – 70% tổng chi phí sản xuất trong nuôi tôm thâm canh. Vì vậy, sử dụng thức ăn chất lượng tốt và quản lý phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Cho ăn đủ: Cho tôm ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ phát triển ban đầu khi tôm đang còn ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, đặc biệt khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi tôm không sử dụng hết lượng thức ăn thì chất thải hữu cơ thức ăn thừa tích tụ gây ra hơn 60% các vấn đề nguy hiểm trong ao nuôi tôm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi.
Sử dụng sàng ăn để đánh giá cụ thể hơn tình trạng bắt mồi của tôm. Ảnh: Vũ Mưa
Trong khi đó, nếu cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ làm tôm chậm lớn do thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hạn chế khả năng lột vỏ của tôm. Thiếu thức ăn kéo dài còn làm cho tôm tranh giành thức ăn lẫn nhau dẫn đến hiện tượng phân đàn mạnh.
Tuy nhiên nếu sử dụng lượng thức ăn chỉ ít hơn 10% so với nhu cầu dinh dưỡng của tôm hoặc không cho ăn một vài lần trong một thời gian nhất định sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, đồng thời còn giúp giữ chất lượng nước tốt hơn. Vì vậy, người nuôi cần cho tôm ăn vừa đủ để đảm bảo chúng sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Mỗi công ty sản xuất thức ăn cho tôm đều có chỉ dẫn cụ thể về số lượng thức ăn cho mỗi cữ, ở mỗi giai đoạn tăng trưởng của tôm. Người nuôi nên tuân theo chỉ dẫn để đảm bảo cung cấp vừa đủ lượng thức ăn.
Đồng thời, sau khi cho tôm ăn khoảng 1 – 1,5 giờ cần tiến hành kiểm tra sàng ăn để đánh giá cụ thể hơn tình trạng bắt mồi của tôm cũng như hấp thu thức ăn để có phương pháp điều chỉnh phù hợp cho những lần ăn sau. Nếu thức ăn trong sàng được tôm ăn hết và môi trường ao nuôi tốt, có thể tăng lượng thức ăn của ngày tiếp theo thêm 5%. Ngược lại, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 5 – 10% thì cắt giảm ngay khoảng 5% lượng thức ăn ở cữ tiếp theo, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 10 – 20% thì giảm 10% lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Nếu lượng thức ăn trong nhà còn > 25% thì ngưng 2 lần cho ăn và bắt đầu lại với lượng thức ăn ít hơn 10%.
Cho ăn đúng giờ: Người nuôi chỉ nên cho tôm ăn vào những khoảng thời gian cố định trong ngày. Tùy vào độ tuổi của tôm mà chia ra cho tôm ăn nhiều cữ sẽ tốt hơn, phù hợp với đặc tính bắt mồi của tôm (thường vào các giờ 6h, 11h, 14h, 17h, 21h). Bên cạnh đó, việc tập cho tôm ăn vào những khoảng thời gian cố định trong ngày sẽ giúp dễ dàng kiểm tra được tình trạng thừa hay thiếu so với nhu cầu của tôm.
Địa điểm: Cũng như thời gian, địa điểm cho ăn cũng phải được cố định để tập thói quen bắt mồi cho tôm kể từ khi mới thả. Người nuôi cho thức ăn vào sàng, đưa từ từ xuống ao, nhẹ nhàng tránh gây tiếng động mạnh, quan sát thường xuyên để có biện pháp điều chỉnh thích hợp. Điều này giúp tôm quen với địa điểm cho ăn, tới giờ ăn tôm sẽ tập trung vào địa điểm đó, tránh được tình trạng dư thừa thức ăn trong ao.
Phương pháp cho ăn: Tùy vào diện tích từng ao nuôi để lựa chọn phương pháp cho ăn thích hợp. Đối với ao nhỏ có thể cho tôm ăn bằng tay, tuy nhiên, ở các ao lớn thì có thể sử dụng bằng thuyền. Ngoài ra, nếu có điều kiện, người nuôi có thể sử dụng máy cho tôm ăn tự động. Cho ăn bằng máy tự động giúp đáp ứng nhu cầu ăn mồi liên tục của tôm, khi tôm ăn theo nhu cầu, việc cài đặt thời gian cho máy phun thức ăn (tính bằng giây), thời gian cho máy nghỉ (tính bằng phút) rất dễ dàng. Ngoài ra, khi sử dụng máy cho tôm ăn sẽ tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian, nâng cao hiệu suất lao động.
Khi cho tôm ăn, nên tiến hành tắt quạt nước, để yên tĩnh cho tôm dễ dàng bắt mồi và tiêu thụ thức ăn. Nếu bật quạt, tôm sẽ hoảng sợ mà không tìm được đến nhá ăn. Từ đó, dẫn đến việc không hấp thụ được thức ăn, mà còn dư thừa một lượng lớn thức ăn ra môi trường ao nuôi.
Trong những trường hợp bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, các chất dinh dưỡng bổ sung hoặc thuốc trị bệnh vào thành phần thức ăn. Để vitamin và khoáng chất hấp thu hiệu quả, nên trộn đều vào thức ăn. Sau đó, để khoảng 15 – 20 phút cho vitamin và khoáng chất hấp thụ đều khắp viên thức ăn rồi bắt đầu cho ăn. Hoặc nếu được, người nuôi nên bao một lớp dầu mực để giữ được thành phần vitamin trong viên thức ăn.
Nếu màu nước ngày càng sậm hơn, báo hiệu thức ăn đang dư, cần giảm ngay thức ăn cho các bữa vào hôm sau và chài kiểm tra lại.
Khi chuyển cỡ thức ăn, không chuyển đột ngột mà chuyển chậm từ 5 – 7 ngày, tỷ lệ thức ăn cỡ nhỏ – cỡ lớn lần lượt là 7 – 3, 5 – 5, 3 – 7 rồi mới toàn cỡ lớn, khi cho ăn thì cho cỡ nhỏ trước, cỡ lớn sau, rải đều khắp ao.
Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 28 – 300C. Khi nhiệt độ nước tăng cao, tôm sẽ ăn nhanh hơn và cũng sẽ bài tiết nhanh hơn so với nhiệt độ thấp. Mỗi khi nhiệt độ giảm đi khoảng 20C thì lượng thức ăn nên giảm khoảng 30% so với lượng thức ăn trung bình. Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn. Tôm giảm ăn khi hàm lượng ôxy hòa tan thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi DO thấp hơn 2 ppm. Nếu hàm lượng ôxy hòa tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì cần chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày. Lúc này hàm lượng ôxy hòa tan là lý tưởng nhất.
Đối với những vùng nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh, người nuôi cũng cần giảm lượng thức ăn khi cho ăn hoặc bỏ bớt cữ cho ăn trưa (nếu thời tiết quá nóng). Cùng đó, nên trộn thêm thuốc vào thức ăn để giúp tôm bắt mồi khỏe hơn và phòng bệnh cho tôm.
Lê Loan
(Tổng hợp)
>> Giải pháp tốt nhất để quản lý cho ăn có hiệu quả là cho tôm ăn theo nhu cầu, nghĩa là cần phải dựa trên tình hình thực tế, tập tính hoạt động của tôm để cho tôm ăn phù hợp.