Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thị trường bắt đầu có xu hướng không phải mua một sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó. Nên điều quan trọng là chúng ta sản xuất sản phẩm có bảo đảm, có ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe cộng đồng, có vi phạm những quy định, những chuẩn mực của thế giới hay không. Cùng đó, đây cũng là cơ hội để thay đổi, định vị lại ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung trong đó có lĩnh vực thủy sản trong tăng trưởng xanh toàn cầu. Tất cả các ngành hàng đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 

Có thể thấy, lĩnh vực chế biến đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm; ngày 27/4/2022, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1572/QĐ-BNN-TCTS ban hành Kế hoạch của Bộ về triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 (Đề án). Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%; trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên; hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 – 45.000 tỷ đồng. Góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14 -16 tỷ USD. 

Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp thực hiện Đề án “Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2023” và kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT triển khai Đề án”; ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định, mục tiêu của Đề án không chỉ là tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây là một thách thức không hề nhỏ và để đạt được các mục tiêu quan trọng đó thì rất cần các giải pháp phù hợp. Sau khi Đề án được thông qua, Bộ NN&PTNT đã sớm có kế hoạch triển khai hành động. 

 

Ông Lê Tuấn Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung bộ cho biết, hiện nay ngành chế biến thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, với công suất chế biến tổng cộng của các cơ sở chế biến này là khoảng 6 triệu tấn nguyên liệu/ năm; tạo ra 3 triệu tấn sản phẩm/ năm, góp phần tạo việc làm cho 435.000 lao động. Năm 2023, Việt Nam có 825 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đủ điều kiện tham gia Chương trình chứng nhận thủy sản xuất khẩu vào các thị trường; 842 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, đủ điều kiện xuất khẩu ra các thị trường; 3.280 cơ sở chế biến truyền thống cung cấp nguyên liệu sản xuất nhưng không xuất khẩu.

Mặc dù, Việt Nam đã xuất khẩu thành công nhiều mặt hàng có giá trị tới một số thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên việc xuất khẩu thủy sản hiện nay còn gặp nhiều thách thức như: Nguồn nguyên liệu không ổn định, giá thành sản xuất cao, làm giảm khả năng cạnh tranh; phải đáp ứng các Quy tắc xuất xứ hàng hóa, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTAs. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc trong rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh hay chương trình thanh tra riêng biệt, quy tắc xuất xứ, IUU, quy định về SPS và TBT, môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động… Hơn nữa ngành thủy sản Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ… 

 

Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho rằng, hiện nay, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi các yếu tố bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, giá trị gia tăng trong sản phẩm thủy sản còn khiêm tốn, chưa đẩy mạnh chế biến sâu… Trong xu thế hiện nay, các doanh nghiệp chế biến đang tiếp tục củng cố chất lượng thông qua các hoạt động liên quan đến chứng nhận quốc tế, tập trung vào các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, nhằm phát triển thương hiệu và khả năng quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu… 

 

Ông Lê Bền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín (Nha Trang) – doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam di nhập nguồn rong giống từ Okinawa (Nhật Bản) về trồng thành công rong nho biển thương phẩm theo phương pháp tự nhiên tại các vùng biển sạch của Khánh Hòa cho rằng, phát triển ngành công nghiệp rong biển ở nước ta còn có nhiều tiềm năng lớn. Không chỉ có hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn về xã hội và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế của thế giới đang chạy đua trước cuộc cách mạng xanh và công nghệ số hiện nay.

Để thúc đẩy ngành chế biến thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất cần thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược Phát triển cơ giới nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến 2030; hoàn thành thủ tục ban hành Đề án thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ phát triển hợp tác công tư đối với các cụm, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản tại các địa phương có tiềm năng; tổ chức điều tra, đánh giá định kỳ về trình độ công nghệ và năng lực chế biến để xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ tham mưu chính sách phát triển chế biến. Về lâu dài, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đưa ra một số giải pháp như: Cần rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất nguyên liệu; tổ chức kết nối thông tin để hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến bảo quản; định hướng tăng tỷ lệ nông sản chế biến sâu có giá trị gia tăng cao; đa dạng hóa sản phẩm. 

 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản cho rằng, việc tăng cường chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị cho các sản phẩm mà còn là cơ hội để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Bộ NN&PTNT đã đề ra mục tiêu xuất khẩu từ 14 – 16 tỷ USD vào năm 2030, một mục tiêu lớn nhưng hoàn toàn khả thi nếu như có sự đồng hành của cả Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Chìa khóa để đạt được mục tiêu đó chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong tương lai, ngành thủy sản của Việt Nam có thể không chỉ nổi bật về số lượng xuất khẩu mà còn về chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cũng như nền kinh tế quốc gia. Ngành chế biến đang có khoảng trống lớn giữa cơ quan quản lý nhà nước – Nhà nghiên cứu khoa học – Nhà máy sản xuất. Để thu hẹp khoảng trống này, đề nghị các doanh nghiệp tích cực bàn bạc, xem xét, đánh giá thị hiếu tiêu dùng, sản lượng có thể không cần tăng nhưng giá trị nhất định phải tăng. Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng Việt Nam có nhiều sản phẩm nuôi trồng thủy sản tiềm năng, trong đó có rong biển; do vậy, thời gian tới, Cục sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT định hướng phát triển rong biển cũng như các sản phẩm phát triển bền vững. 

error: Content is protected !!