Quản lý môi trường ao tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Biện pháp quản lý môi trường ao nuôi tôm siêu thâm canh?

(Phạm Trọng Trường, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa)

 Trả lời:

Ổn định môi trường: Trong nuôi tôm, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) là yếu tố môi trường vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Ở giai đoạn đầu của chu kỳ sản xuất, DO và pH cần được theo dõi ít nhất 2 lần/ngày với dụng cụ, thiết bị cầm tay, còn các chỉ tiêu khác như độ kiềm và NH3 có thể đo 3 – 5 ngày/lần. Nếu có điều kiện, nên sử dụng hệ thống giám sát ao nuôi như: hệ thống e-Aqua, thiết bị E-Sensor Aqua… giúp người nuôi theo dõi, nắm bắt các yếu tố môi trường mọi lúc mọi nơi và có báo động khẩn cấp khi các chỉ tiêu giảm xuống dưới ngưỡng cho phép.

Xử lý môi trường: Hàm lượng chất hữu cơ trong môi trường ao nuôi là yếu tố quan trọng cần được kiểm soát một cách chặt chẽ. Các nguồn nước bị ô nhiễm thường có hàm lượng chất hữu cơ cao, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và sẽ tiêu tốn nhiều DO. Ở tháng nuôi đầu, do tổng khối lượng của đàn tôm không lớn nên lượng thức ăn đưa xuống ao không nhiều. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng nuôi thức 2 trở đi, lượng thức ăn mỗi lúc một tăng lên. Nguy cơ ô nhiễm thường do thức ăn thừa, xác của tôm lột, do phân và các chất bài tiết mà tôm thải ra. Môi trường nước trở nên phì dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho tảo phát triển, khiến pH biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Vì vậy, cần thường xuyên sử dụng các chế phẩm sinh học có tác dụng xử lý môi trường vào ao nuôi. Trong các chế phẩm có thành phần là các vi sinh vật và vi khuẩn. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình luân chuyển vật chất như phân hủy các chất hữu cơ, chuyển đổi các hợp chất vô cơ từ dạng này sang dạng khác, cùng đó, phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong quá trình nuôi.

Hỏi: Ao nuôi tôm thẻ chân trắng có hàm lượng NO2 vượt ngưỡng thì cần xử lý như thế nào?

(Nguyễn Hạnh Nhi, xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)

Trả lời:

NO2 trong ao nuôi bắt nguồn từ NH4+/NH3 qua giai đoạn 1 của quá trình nitrat hóa chuyển sang NO2 hoặc do NO2 đã tồn tại sẵn trong nguồn nước cấp. Bên cạnh đó, quá trình bài tiết của tôm cũng góp phần làm tăng hàm lượng NO2 trong nước. Khi ao xuất hiện NO2 chứng tỏ điều kiện môi trường nuôi đã xấu đi, đáy ao bị bẩn… Bản thân NO2 ở mức thấp có thể không gây ảnh hưởng lớn cho tôm, nhưng khi hàm lượng NO2 cao hơn sẽ gây nguy hiểm cho tôm. Cụ thể, NO2 kết hợp với Hemocyanin trong máu tôm làm mất khả năng vận chuyển ôxy trong máu từ đó khiến tôm nuôi bị ngạt. Khi tôm bị ngạt mãn tính sẽ yếu, dễ mắc bệnh hoặc chết khi sốc môi trường. Để khắc phục, có thể xử lý như sau:

Sử dụng chế phẩm sinh học: Có thể sử dụng vi sinh xử lý khí độc NO2 trong ao nuôi tôm. Đây là giải pháp hiệu quả, an toàn với tôm nuôi và con người được các chuyên gia khuyên dùng. Cách sử dụng như sau: Trộn 1 gói (100 g) + 2 kg mật rỉ đường + 20 lít nước sạch, sau đó đem sục khí 2 giờ để vi sinh vật sinh trưởng tốt. Cuối cùng đem tạt đều lên khắp bề mặt ao nuôi. Sử dụng vào lúc trời nắng khi có nhiều ôxy để phát huy tối đa hiệu quả xử lý.

Tuần hoàn nước ao nuôi ra ao lắng: Khi đưa nước từ ao nuôi sang ao lắng sẽ xử lý NO2 trước khi tái cấp vào ao nuôi. Tại ao lắng, xử lý nước bằng ôxy già với liều 5 – 10 ppm. Ôxy già sẽ cung cấp ôxy cho quá trình nitrat hóa đồng thời ôxy hóa chất hữu cơ. Điểm yếu của phương pháp này là không thể áp dụng cho ao nuôi tôm có thể tích lớn bởi giá thành rất cao.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!