(TSVN) – Mỹ vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức liên quan tới thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng áp dụng cho tôm nhập khẩu, điều này khiến các nhà xuất khẩu tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam vô cùng thấp thỏm và lo âu.
Tại Hội chợ triển lãm Thủy sản Nam Mỹ (SENA) diễn ra tuần trước, các nhà đóng gói tôm của Ấn Độ và Ecuador cho biết quyết định của Mỹ sẽ làm thay đổi cục diện, đặc biệt phụ thuộc vào đất nước nào chịu mức thuế cao nhất. Cùng với các nhà sản xuất tại Indonesia và Việt Nam, họ cũng lường trước kịch bản cho sự thoái lui và tìm thị trường thay thế.
Một số doanh nghiệp Ecuador đang tìm thị trường thay thế. Ảnh minh họa
Theo một số nguồn tin trước đó, quyết định sơ bộ về thuế đối kháng sẽ được Mỹ đưa ra vào ngày 25-26/3/2024; thuế chống bán phá giá vào ngày 22/5/2024. Sẽ có một số doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng cũng không ít phải tìm kiếm thị trường mới. Ngày càng nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu kèm theo điều kiện DDP (delivery duty paid – giao đã trả thuế) trong hợp đồng mua bán. Một công ty đóng gói tại Ecuador cho biết họ không thể dừng sản xuất và xuất khẩu, do đó buộc phải chấp nhận điều kiện DDP; trong khi một công ty khác cho biết đã dừng xuất khẩu sang Mỹ trước rủi ro về thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá.
Một nhà sản xuất tôm Ecuador bày tỏ lo ngại về mùa mưa đang diễn ra: “Những cơn mưa sẽ giúp tăng kích thước tôm, nhưng cũng gây khó khăn cho mùa vụ. Hiện tại chúng tôi đang có lượng lớn tôm loại 20-30 và 30-40 con/kg. Giá tôm tương đối ổn định, khoảng 4,7 USD/kg (loại 30-40), 4,5 USD/kg (loại 40-50), và 4,4 USD/kg (loại 50-60). Mặc dù ngành tôm Ecuador đang khá lo lắng về quyết định sắp tới của Mỹ về hai loại thuế chống bán phá giá và đối kháng, nhưng doanh nghiệp này cho biết họ đang tập trung xuất khẩu tôm nguyên con sang Trung Quốc; bởi Mỹ chỉ chiếm 5% tổng doanh số của công ty.
Tại triển lãm thủy sản Boston, một doanh nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ bất chấp phải kèm điều kiện DDP và rủi ro có thể xảy ra. Anh nói: “Tuy Mỹ chưa công bố mức thuế, nhưng lãnh đạo ngành thủy sản Ấn Độ dự đoán có thể là 6-7%. Như vậy giá tôm sẽ tăng”. Một doanh nghiệp khác cho biết họ cũng đang xuất khẩu tôm cỡ vừa sang thị trường Mỹ, kèm theo điều kiện DDP trong hợp đồng. Một số khác thừa nhận quy định thuế của Mỹ sẽ là cú đòn giáng khá mạnh khiến họ phải bẻ lái sang các thị trường khác, trong đó có Anh.
Một nguồn tin cho biết Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador (CNA) đang làm việc với chính phủ và một nhóm các luật sư để sớm hoàn tất hồ sơ gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Tương tự, chính phủ Ấn Độ cùng các doanh nghiệp cũng đang phối hợp chặt chẽ. Nguồn tin này cũng cho rằng bốn quốc gia (Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam) đang “đơn thương độc mã” ứng phó với vấn đề của mỗi nước, thay vì cùng nhau tìm tiếng nói chung.
Ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của CNA
Ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành của CNA, không dám suy đoán về kịch bản sau khi Mỹ công bố quy định thuế, ông nhấn mạnh tính chất phức tạp của hậu quả khi đưa ra suy đoán trong những trường hợp này. Ông Sandro Coglitore, CEO của Omarsa, một trong những nhà chế biến tôm lớn nhất Ecuador, cho biết năm 2023 Ecuador sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn và xuất khẩu 1,21 triệu tấn tôm (tăng 14% so với năm 2022). Theo kế hoạch năm 2024 con số này sẽ không đổi nếu như mức thuế chống bán phá giá của Mỹ và tỷ lệ CVD không quá cao. Ông Coglitore so sánh việc xuất khẩu kèm điều kiện DDP với trò chơi roulette (cò quay) và chơi bài blackjack: “Tôi nói với các khách hàng của tôi rằng sự việc này còn khó hơn cả đi Las Vegas. Ở Las Vegas, bạn đánh cược 1 USD, bạn biết chắc mình sẽ mất 1 USD. Nhưng với tình huống này, bạn được thông báo một tỷ lệ sơ bộ. Bạn bỏ ra 1 USD, nhưng tới tháng 12 bạn mới biết kết quả thu về khi tỷ lệ cuối cùng được công bố. Luật pháp của Mỹ là vậy đấy!”
An Vy (Theo Undercurrentnews)