(TSVN) – Đây là một trong những nhiệm vụ giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết số 52/NQ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/4/2024 về Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Nghị quyết số 52 đã đưa ra nhiệm vụ giải pháp về việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo đó:
– 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá (kể cả cảng cá tư nhân, bến cá…) phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc (đảm bảo về Nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ).
– Tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu đủ căn cứ xử lý hình sự); đặc biệt tập trung vào các lô hàng đối với các loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm.
– Khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng đồng bộ, thống nhất trên cả nước hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định đối với công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.
– Kiểm soát chặt chẽ theo quy định các lô hàng nhập khẩu sản phẩm thủy sản khai thác đối với loài cá cờ kiếm, cá ngừ vây ngực dài bằng tàu container.
Xem chi tiết Nghị quyết số 52: TẠI ĐÂY
Ảnh minh họa
Những nội dung này cũng từng được đưa ra tại Công điện số 1058/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 4/11/2023 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu VASEP cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng nhân dân, Chính phủ, vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản không có nguồn gốc rõ ràng theo quy định. VASEP cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.
Còn tại Thông báo số 370/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác; Phó Thủ tướng yêu cầu VASEP, các doanh nghiệp thủy sản cần kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản vi phạm, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định pháp luật trong quản lý nhà nước, đặc biệt tại công đoạn sản xuất ban đầu trong chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã thực hiện cam kết “nói không với IUU”; chỉ mua nguyên liệu thủy sản từ tàu cá có đủ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cam kết ATTP để đảm bảo tuân thủ pháp luật ATTP và chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về truy xuất nguồn gốc và thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo ATTP, trong đó quy định: Cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước, một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi có yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Lưu trữ đầy đủ hồ sơ của cơ sở cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp, bao gồm các hồ sơ chứng minh thủy sản khai thác không vi phạm quy định IUU và ATTP theo đúng quy định hiện hành. Rà soát quy trình quản lý chất lượng, kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp về an toàn thực phẩm và chống khai thác IUU và đảm bảo tổ chức thực hiện đúng quy trình ban hành.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện, họ cũng còn gặp vướng mắc trong việc khai thác, sử dụng nguyên liệu xuất khẩu hải sản. Như thông tin từ VASEP, đến quý I/2024, còn nhiều tàu cá tại các tỉnh, thành thiếu giấy về đảm bảo ATTP (chứng nhận với tàu trên 15 m, và cam kết với tàu dưới 15 m) theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNN và Thông tư 17/2018//TT-BNNPTNN của Bộ NN&PTNT. Một số cảng cá cũng không có hoặc chậm triển khai chứng nhận ATTP.
Hiện trạng và bất cập nêu trên khiến nhiều lô hàng hải sản khai thác do doanh nghiệp thu mua trong thời gian qua không đủ điều kiện được tiếp nhận, thẩm định và cấp giấy H/C xuất khẩu vào EU, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Toàn bộ nguyên liệu mà doanh nghiệp thu mua từ các tàu thiếu cam kết, thiếu chứng nhận ATTP, các cảng thiếu chứng nhận ATTP trước khi Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT có hiệu lực, hiện không thể xuất khẩu sang EU do không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng thư H/C cho lô hàng. Thực tế trên dẫn tới việc doanh nghiệp không thể giao hàng cho đối tác đúng kế hoạch, hàng hóa tồn đọng, phát sinh nhiều chi phí và kho khăn cho doanh nghiệp. Tình hình và hiện trạng này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu hải sản sang EU khi nguồn hải sản khai thác bị thu hẹp đáng kể.
Hải Lý
Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chống khai thác IUU và từ đó thay đổi hành động của các cấp, các ngành đối với công tác chống khai thác IUU; nâng cao năng lực quản lý nhà nước và các hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác chống khai thác IUU, khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU…